Cần cải thiện thêm môi trường pháp lý cho kinh doanh

Chủ nhật, 16/06/2019 13:51 PM - 0 Trả lời

(CLO) Môi trường kinh doanh trong những năm qua đã có những cải thiện đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều doanh nghiệp còn phàn nàn khi làm các hồ sơ, thủ tục phải đi lại nhiều lần mới xong việc. Do đó, cải thiện môi trường pháp lý cho kinh doanh là việc cần làm ngay.

Cần đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh

Cần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Nguồn: vov.vn

Cần cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Nguồn: vov.vn

Tại cuộc họp giữa các bộ ngành về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân đang rất kêu ca, phàn nàn khi làm các hồ sơ, thủ tục, nhất là thái độ công vụ của công chức, viên chức không hướng dẫn đầy đủ khiến người dân, DN phải đi lại nhiều lần để giải quyết.

Theo đó, để cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, chú ý đặc biệt đến cải thiện môi trường pháp lý cho kinh doanh được rộng "cửa" phát triển.

Theo kết quả nghiên cứu về “Các ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh” của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, tỷ lệ các DN dự kiến tặng quà cho quan chức nhà nước để xử lý được việc rất cao, hơn 90%; hiệu quả của khung pháp lý trong giải quyết tranh chấp của Việt Nam đạt 3,3 điểm, trong khi mức tốt nhất của thế giới là 7 điểm; hiệu lực thực thi quy định pháp luật của Việt Nam đạt 0,54 điểm, còn mức tốt nhất là 1 điểm…

“Tốc độ mở rộng của khu vực tư nhân tăng lên nhưng cũng có những biến dạng, đó là đầu tư đã tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây. Đặc biệt chưa thấy bằng chứng tăng sức cạnh tranh thị trường”, Nghiên cứu nêu rõ.

Bà Sylvia Solf, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân thuộc WB cho rằng, môi trường pháp lý và quản trị pháp lý của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan… Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề như tham nhũng, hối lộ, thiếu minh bạch, chất lượng thể chế, hệ thống tư pháp và quản lý đất đai.

Trong dài hạn, WB chỉ ra còn nhiều lĩnh vực cải cách tiềm năng như đảm bảo quyền sử dụng đất, tính minh bạch của các nghị định và văn bản pháp lý… Để doanh nghiệp phát triển, có nhiều đóng góp cho nền kinh tế cần nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan. Tuy vậy, nếu nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, DN sẽ giảm được nhiều khó khăn, nhất là từ khâu khởi nghiệp sáng tạo (startup).

Sự nỗ lực từ Chính phủ

Quá trình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã đạt được những kết quả, trong đó có Khởi sự kinh doanh giảm từ 8 bước thủ tục và 17 ngày xuống 5 bước và 8 ngày; cấp phép xây dựng từ 10 bước thủ tục và 166 ngày xuống 10 bước thủ tục và 62 ngày; số lần nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần…

Tuy có những ghi nhận như vậy nhưng Nghị quyết 02/NQ-CP đã đưa yêu cầu trước tháng 6/2019, các bộ ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có những ghi nhận đáng kể. Theo đó, Chính phủ đã có yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019.

Từ báo cáo rà soát này, tiến tới đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt. Công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với DN của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IV năm 2019.

Trong cuộc làm việc với các bộ ngành về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP mới đây về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần kỷ cương, kỷ luật công vụ khi thực hiện Nghị quyết 02 mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt, những cải cách mới có hiệu lực, hiệu quả thực sự.

Phó Thủ tướng đề nghị có ngay các đợt kiểm tra để xem tiến độ thực hiện đến đâu, đã làm được gì, đang vướng mắc chỗ nào. Đặc biệt rất cần gặp gỡ, đối thoại với đại diện các hiệp hội DN, trước hết là những vấn đề nóng nhất trong lĩnh vực bộ ngành mình phụ trách. Các bộ ngành phải có báo cáo rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất đến đâu. Những vấn đề DN phản ánh do vướng luật, vướng nghị định, cần phải sửa ra sao. 

Đề xuất cải cách môi trường pháp lý cho kinh doanh tại Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần thay đổi mô thức tiếp cận với ít nhất 6 khía cạnh, trung tâm là người dân và DN.

Các khía cạnh được WB đề cập bao gồm: Tiếp cận dựa trên rủi ro đối với quy định và giám sát giữa các ngành; khung pháp lý và thể chế mạnh mẽ để bảo vệ quyền sở hữu tài sản; thu hẹp khoảng cách giữa quy định và thực thi, quy trình minh bạch và toàn diện để ban hành quy định mới; dịch vụ điện tử; hệ thống lấy dữ liệu làm trung tâm về quản lý đất đai, quản lý thuế, đăng ký kinh doanh; cơ sở thông tin thống nhất về công dân, công ty và tài sản.

Từ những thực tế này sẽ xây dựng lộ trình để hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Cần xác định các ưu tiên chính như xây dựng kế hoạch hành động có tiến độ thời gian trong ngắn hạn và trung hạn để hỗ trợ các mục tiêu tổng hợp dựa trên so sánh quốc tế; xác định tiêu chí đánh giá khả thi gắn trực tiếp với mục tiêu.

Trong vấn đề phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phải lấy DN làm trung tâm, tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc, Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc, Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc). Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc…

Lê Minh

Tin khác

Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mới với đối tác CAE Inc

Vietnam Airlines đạt thỏa thuận mới với đối tác CAE Inc

(CLO) Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa ký kết hợp tác về việc khai thác buồng lái mô phỏng (SIM) với nhà cung ứng dịch vụ và thiết bị huấn luyện bay toàn cầu CAE Inc. (CAE).

Thị trường - Doanh nghiệp
Khi văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trải nghiệm kết nối

Khi văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trải nghiệm kết nối

(CLO) Tạo ra những trải nghiệm giàu cảm xúc cho CBNV để văn hóa doanh nghiệp thẩm thấu vào đời sống tự nhiên như hơi thở là cách thức nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gia Lai: Chàng kỹ sư trẻ ươm mầm giống nho trên đất cằn

Gia Lai: Chàng kỹ sư trẻ ươm mầm giống nho trên đất cằn

(CLO) Là một kỹ sư xây dựng song anh Đặng Đại Dương (35 tuổi, trú tại TP Pleiku, Gia Lai) lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Ngoài vườn dâu ngọt hơn 1 ha, chàng kỹ sư trẻ còn sở hữu vườn nho lớn nhất Gia Lai, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga tăng nhập khẩu xăng từ Belarus do nguồn cung trong nước sụt giảm

Nga tăng nhập khẩu xăng từ Belarus do nguồn cung trong nước sụt giảm

(CLO) Trong tháng 3, Nga đã tăng nhập khẩu xăng từ nước láng giềng Belarus nhằm giải quyết nguy cơ thiếu hụt tại thị trường nội địa do việc sửa chữa đột xuất các nhà máy lọc dầu sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, theo bốn nguồn tin công nghiệp và thương mại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỷ USD sau khi rời Nga

Các công ty phương Tây thiệt hại hơn 100 tỷ USD sau khi rời Nga

(CLO) Reuters đưa tin, trích dẫn các tính toán dựa trên hồ sơ và báo cáo của loạt công ty, các công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga phải chịu khoản lỗ hàng lên tới 107 tỷ USD, đồng thời mất đáng kể doanh thu.

Thị trường - Doanh nghiệp