Cận cảnh loạt cầu treo xuống cấp, nguy hiểm mùa mưa lũ ở Kon Tum
(CLO) Hàng loạt cây cầu treo ở Kon Tum trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn ngày ngày đánh cược tính mạng vượt qua cầu đến khu sản xuất canh tác, mặt khác một số người lại chọn lội bộ qua suối.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có khoảng 227 cầu treo, cầu dân sinh, trong đó 95 cây cầu chưa đảm bảo kết cấu bê tông cốt thép và 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng

Tình trạng cầu treo, cầu dân sinh hư hỏng, xuống cấp xuất hiện nhiều nhất ở huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Đăk Hà

Điển hình là cây cầu treo có chiều dài hơn 30m được làm bằng hàng trăm cây tre và những tấm ván cũ ở thôn Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô). Cây cầu là con đường duy nhất bắc qua suối Đăk Rơ Nga để người dân đến khu sản xuất rộng hơn 70ha


Hệ thống cột trụ nâng đỡ mặt cầu được làm bằng tre đan chéo vào nhau. Nhằm thuận tiện cho việc đi lại, người dân đóng lốp xe cũ lên mặt cầu, tránh trơn trượt và dễ dàng cho phương tiện di chuyển qua lại

Vì là cầu tạm nên người dân dùng dây thép, vải… để gắn kết tre và gỗ lại với nhau, tuy nhiên hiện cầu đã hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng
Ông A Giáo (67 tuổi, trú thôn Đăk Tăng) cho biết: “Gia đình có 1ha đất trồng cà phê ở bên kia suối. Mùa nắng mới có thể di chuyển qua cầu, còn vận chuyển nông sản phải chở bằng xe máy hoặc dùng xe tải, công nông qua suối. Mỗi năm, vào mùa mưa cầu đều hư hỏng hoặc bị cuốn trôi.
Để có thể đi lại, bà con trong làng phải góp tiền vào sửa chữa, làm cầu mới. Cầu chỉ được làm bằng những vật liệu tạm bợ, không kiên cố nên nhanh hỏng. Bà con ai nấy đều mong muốn có một cây cầu kiên cố để thuận tiện qua khu sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập”.
Theo ông Nguyễn Thành Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ, trên địa bàn có 2 cây cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp. Vào tháng 5 vừa qua, trận mưa đầu mùa làm cây ngã đổ khiến cầu treo tại thôn Kon Pring phục vụ 114 hộ dân bị hư hỏng nặng.
Còn cầu bắc qua suối Đăk Rơ Nga chỉ là cầu tạm nên mùa mưa thường xuyên bị cuốn trôi, không thể di chuyển qua lại. Để đến được khu sản xuất, người dân phải vượt suối với nước chảy xiết hoặc đi đường vòng xa hơn 5km. Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị làm cầu mới kiên cố hơn, nhưng địa phương không đủ kinh phí.

Tương tự tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) cũng có 3 cây cầu treo cũng đã xuống cấp, hư hỏng. Những cây cầu dân sinh này phục vụ đi lại cho 100 hộ dân canh tác khoảng 200ha cà phê, cao su, lúa.

Vào mùa mưa, bà con đi qua cầu để làm nông nghiệp nhưng rất nguy hiểm, còn hoa màu đến khi nước rút mới thu hoạch

Nhiều năm qua, cây cầu treo nối thôn 5 (xã Kon Đào) với khu sản xuất bên kia suối Đăk Rnghe đã hư hỏng nên mỗi ngày, bà Y Mới (58 tuổi) đều lội qua suối để canh tác 2ha mì. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước dâng cao bà Mới không khỏi bất an, lo lắng mỗi lần vượt suối

Cầu treo bắc qua suối Đăk Sing (thôn Đăk Lung, xã Kon Đào) là con đường duy nhất nối qua khu sản xuất ở khu vực làng cũ Đăk Lung. Cây cầu này là con đường đi lại, phục vụ nhu cầu canh tác của 40 hộ dân với diện tích khoảng 50 ha

Tuy nhiên, hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri với HĐND tỉnh Kon Tum, thôn Đăk Lung đã ý kiến về vấn đề khó khăn khi di chuyển trên cầu treo. UBND huyện Đăk Tô sau đó đã cử đoàn công tác xác minh, tuy nhiên kinh phí hạn chế nên chưa thể xây dựng cầu, đảm bảo việc đi lại cho người dân


Hiện Kon Tum đang vào mùa mưa bão, những cây cầu tạm của người dân tự làm để vượt suối không còn đảm bảo an toàn, phục vụ đi lại, canh tác. Các địa phương đã lên phương án để sửa chữa, nâng cấp các cây cầu treo, cầu dân sinh bị hư hỏng xuống cấp nhằm phục vụ việc đi lại, đảm bảo an toàn cho người dân
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, trước nguy cơ mất an toàn khi người dân lưu thông qua các cầu treo xuống cấp, Sở đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá hệ thống cầu đường giao thông thuộc phạm vi quản lý.
Trước mắt khi cầu treo chưa được sửa chữa, khắc phục hư hỏng, các đơn vị, địa phương bố trí người trực gác khi thấy nguy hiểm cương quyết không để phương tiện lưu thông qua cầu. Về lâu dài UBND các huyện, thành phố kiến nghị, đề xuất tham mưu UBND tỉnh Kon Tum khi có nguồn vốn tập trung ưu tiên xây dựng cầu kiên cố tại những vị trí trọng điểm, xung yếu, đáp ứng nhu cầu đi lại và đảm bảo an toàn cho người dân.