Thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu) trước đây có nghề làm hương đen nổi tiếng khắp các vùng lân cận. Do công việc làm hương cho thu nhập không ổn định, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển qua thu gom, buôn bán phế liệu từ nhiều năm nay.

Ghi nhận của PV tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) khắp nơi đều là rác thải nhựa.

Thông tin từ ông Trang Văn Viễn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện tại Thôn Xà Cầu có khoảng 180 hộ làm nghề tái chế phế liệu.

Hầu hết rác thải, phế liệu được bà con thu mua ở khắp nơi mang về tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.

Dọc các tuyến đường xung quanh Thôn Xà Cầu, hay xã Quảng Phú Cầu đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh rác thải nhựa được tấp dọc con đường.

Hình ảnh rác thải nhựa xếp đống khắp trong nhà, ngoài sân, từ đường làng ngõ xóm cho đến trên cánh đồng không phải hiếm.

Thậm chí những ngôi mộ cũ cũng bị bủa vây bởi rác thải nhựa, đồ nhựa của người dân.

Nhiều điểm cạnh con kênh, rác nhựa tràn xuống đã gây ô nhiễm nguồn nước.

Dòng nước kênh xung quanh Thôn này màu đen, đóng váng do ô nhiễm.

Rác nhiều, lại chưa được vận chuyển về nơi tập kết, xử lý tập trung nên tích tụ thành những đống khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường.

Lụi hụi phân loại rác nhựa, ông Lý Đình Tuấn (nhà ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cho biết, gia đình ông đã có 20 năm làm nghề thu gom phế liệu đem về tái chế. Công việc này đã giúp gia đình ông phát triển kinh tế, có của ăn của để trong nhà.

"Ở thôn Xà Cầu, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại ai cũng có thể làm được vì công việc hết sức đơn giản. Người khỏe thì đứng máy nghiền, máy xả nước, bốc hàng lên xuống xe cho thu nhập cao; còn người già, trẻ em thì phân loại, bóc nhãn mác, xúc chai lọ… mỗi ngày cũng kiếm được trên 100.000 đồng”, ông Tuấn cho biết thêm.

Là nguồn xử lý phế liệu lớn nhất Thủ đô nên rác thải nhựa ở đây có đủ loại từ thùng phi, chai lọ, dây điện, ống nước... Trong làng, từ già đến trẻ, ai cũng có thể làm được việc.

Rác thải nhựa sẽ được người dân phân loại và đem đi say nhỏ ra và đem đi phơi. Vợ chồng ông Lý Thế Hạnh đang phân loại màu rác thải cho biết: “Một tháng nhà tôi sẽ làm được khoảng 40 tấn nhựa, nhựa sau khi phân loại đem xay nhỏ sẽ được bán lại giá gấp đôi giá đã mua lúc đầu. Làm nghề này thì mang lại thu nhập cao nhưng không tránh khỏi việc gây ô nhiễm, nước bẩn từ việc xay nhỏ ra hạt nhựa chảy ra có mùi độc hại.”

Vợ chồng ông Lý Thế Hạnh cùng nhau phân loại màu rác thải từ những vỏ chai dầu gội đầu trước cửa nhà. Phía sau là những ngôi nhà 2-3 tầng đang được xây mới trên việc thu gom rác thải nhựa tái chế bán lại.

Được biết, nghề tái chế phế liệu đang mang lại nguồn thu nhập chính cho hầu hết những người dân trong thôn.

Theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải phát sinh từ nghề sơ chế phế liệu, rác thải ở thôn Xà Cầu là khoảng 150 tấn.
Quang Hùng