Phải minh bạch và chuẩn xác
Cần minh bạch và chuẩn xác hơn nữa nếu thực hiện thu thuế tài sản và bất động sản (Ảnh TL)
Viện trưởng VERP đưa ra nhận định, hiện nay một số loại thuế đã có bản chất liên quan đến thuế tài sản đó là thuế đất đai, vì vậy việc thiết kế các luật thuế liên quan đến tài sản cần phải được xác định mục đích rõ ràng. Nói về thuế BĐS, theo nhiều người thuộc lĩnh vực và từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có đến 51 nước trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản là BĐS.
Tuy nhiên, trên thực tế, thuế BĐS có lợi cho quốc gia lại được cho rằng không phải là nhiều. Thuế thuộc lĩnh vực này theo thống kê chỉ đóng góp trung bình vào GDP các nước OECD là 2,12%, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Tính trung bình tất cả các quốc gia là 1,04% GDP.
Vì vậy, nhiều quốc gia quy định thuế BĐS là loại thuế địa phương và chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong việc đặt ra thuế suất. Đây được coi là nguồn thu quan trọng ở địa phương, giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương. Ví dụ tại Thái Lan, thuế BĐS chiếm 80% thu ngân sách địa phương, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan.
Xét trên tổng chi ngân sách của địa phương, vai trò của thuế BĐS cũng rất khác biệt, chiếm 50% nguồn cho chi tiêu địa phương ở Úc, chiếm 1/4 tại Pháp và Tây Ban Nha, chiếm 15% ở Anh.
Hiện nay ở Việt Nam, đóng góp của thuế sử dụng đất phi nông nghiêp chỉ khoảng từ 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm. Đóng góp cho các địa phương còn khiêm tốn so với thuế BĐS, chỉ từ 5 – 7% ngân sách địa phương. Nhiều nơi, theo thống kê của nhóm nghiên cứu VERP, thậm chí nguồn thu này chỉ chỉ chiếm 2% đối với thu ngân sách của địa phương.
Cũng theo VERP, để tính toán được giá trị tài sản BĐS rồi đưa ra mức thu thuế hợp lý đối với người sở hữu BĐS cần có sự cung cấp số liệu của chính quyền địa phương. Nếu ngân sách địa phương không minh bạch và nguồn thu từ thuế BĐS không được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và an ninh địa phương sẽ tạo ra những hành vi và dư luận không tốt.
Ngoài chức năng là nguồn thu ngân sách địa phương, các chuyên gia cho rằng đánh thuế BĐS còn có thể tác động tới hành vi kinh tế của các đối tượng khác nhau như phân bổ lại dân cư, giảm đầu cơ trên thị trường BĐS.
Giới chuyên gia cho rằng khái niệm về thuế tài sản hiện nay đang được đưa ra là quá rộng và thiếu chuẩn xác. Học viện Tài chính cho biết, một sắc thuế đưa ra phải đảm bảo 3 điều như: Thứ nhất là hiệu quả về nguồn thu, thứ 2 là hiệu quả về tính thức thi, ít mục tiêu để dễ áp dụng và thứ 3 là phải phù hợp với các điều kiện xã hội.
Cần nghiên cứu đến tác động
Các khoản thu kể cả đối với lĩnh vực thuế tài sản và bất động sản phải tạo sự đồng thuận trong xã hội (Ảnh TL)
Nhóm nghiên cứu của Học viện Tài chính mới đây đã tính toán mức độ ảnh hưởng của việc đánh thuế tài sản theo đề xuất của Bộ Tài chính dựa trên khảo sát Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016 do Tổng cục Thống kê điều tra đối với 9.399 hộ gia đình trên cả nước. Ngoài ngưỡng tính thuế nhà là trên 700 triệu đồng, nhóm nghiên cứu đưa ra các ngưỡng tính thuế nhà là 1 tỷ và 2 tỷ. Lý do, theo nhóm nghiên cứu, nhà 1-2 tỷ chỉ là nhà chung cư bình thường, còn nhà hạng tốt thì phải trên 2 tỷ.
Đánh giá của nhóm nghiên cứu, theo phương án Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất với ngưỡng chịu thuế là trên 700 triệu đồng thì có 77,8% hộ phải nộp thuế đất và 8% số hộ phải nộp thuế nhà. Nếu ngưỡng chịu thuế 1 tỷ thì sẽ có 77,8% số hộ phải nộp thuế đất và số hộ phải nộp thuế nhà giảm còn 4,3%. Trong khi với ngưỡng chịu thuế là 2 tỷ đồng thì tỷ lệ hộ phải nộp thuế nhà chỉ 0,4%. Đây là con số được cho là rất ít và chỉ tập trung thành thị lớn.
Về số tiền thuế phải nộp, với phương án mà Bộ Tài chính đưa ra (thuế suất 0,4%, ngưỡng tính thuế 700 triệu) thì trung bình mỗi hộ dân phải nộp hơn 1,3 triệu đồng/năm, bao gồm 325.000 thuế nhà ở và 978.000 thuế đất. Với phương án này, ngân sách thu được gần 30.000 tỷ đồng.
Với phương án ngưỡng tính thuế 1 tỷ đồng thì trung bình một hộ nộp thuế tài sản gần 1,2 triệu đồng/năm (218.000 đồng thuế nhà và 978.000 đồng thuế đất). Trong khi với phương án ngưỡng tính thuế 2 tỷ thì mỗi hộ dân trung bình phải nộp hơn 1 triệu đồng thuế tài sản (978.000 đồng thuế đất và chỉ 39.000 đồng thuế nhà).
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu việc đánh thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình. Trong đó, với phương án Bộ Tài chính đưa ra thì chi tiêu hộ gia đình sẽ giảm trung bình khoảng 850.000 đồng. Còn với phương án ngưỡng 1 tỷ đồng, chi tiêu giảm khoảng 800.000 đồng/hộ; ngưỡng 2 tỷ đồng chi tiêu giảm trung bình 700.000 đồng/hộ.
Đoàn An