Cần có biện pháp mạnh với các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường
(CLO) Nhiều trang trại chăn nuôi heo ở Gia Lai chưa đủ pháp lý đã hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dù đã bị xử phạt hành chính nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa dứt điểm.
Ngày 24/10, UBND TP Pleiku (Gia Lai) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Ái Liên, chủ trại heo tại khu vực đồi 800, thuộc làng Nhao (xã Ia Kênh) số tiền 32,5 triệu đồng vì hoạt động chăn nuôi không có giấy phép môi trường theo quy định. Đồng thời đình chỉ hoạt động cơ sở chăn nuôi heo của bà Liên 5 tháng.
Theo đó, trại chăn nuôi heo của bà Trần Thị Ái Liên từng bị nhiều người dân sinh sống tại làng Nhao phản ứng về việc nuôi hàng trăm con heo nhưng không lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Lượng nước thải và mùi hôi thối bị thải ra môi trường làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Cơ sở chăn nuôi heo này còn xả thải trực tiếp ra các con suối khiến nhiều hộ dân không thể trồng trọt. Bức xúc về vấn đề trên người dân đã có đơn gửi UBND TP Pleiku trình báo.
Tương tự hành vi vi phạm trên, trước đó vào tháng 8/2023 Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với bà Trần Thị Ái Liên số tiền 32,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng đối với trại chăn nuôi heo ở làng O Gia, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai.

Một trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Chư Prông (ảnh T.H)
Không riêng gì trang trại chăn nuôi heo của bà Trần Thị Ái Liên, trên địa tỉnh Gia Lai còn rất nhiều trang trại chăn nuôi heo chưa đủ pháp lý đã hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trước đó, trong phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai vào đầu tháng 10/2023, nhiều cử tri đã kiến nghị vấn đề về pháp lý xây dựng các cơ sở chăn nuôi và tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, một số dự án chăn nuôi hoạt động khi chưa có cấp giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Cụ thể là tại xã Ia Pior, huyện Chư Prông, 15 dự án chăn nuôi đã tác động không nhỏ đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa dứt điểm. Tương tự một số trang trại chăn nuôi heo có số lượng hơn 1.000 con tại huyện Ia Grai không có giấy phép xây dựng, xây dựng tại khu vực đầu nguồn nước. Dù đã bị xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động nhưng trang trại này vẫn còn tồn tại, gây bức xúc cho người dân.
Tại phiên chất vấn, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh có 81 dự án chăn nuôi được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, 28 dự án chăn nuôi đi vào hoạt động.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, để khắc phục đơn vị đã có nhiều văn bản tham mưu nhằm sửa đổi về việc xử lý, tăng khoảng cách giữa các khu chăn nuôi với khu dân cư (ảnh P.H)
Một số trang trại chăn nuôi thực hiện chưa nghiêm theo quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và giấy phép môi trường. Công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý ở địa phương đối với các trang trại chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Nhiều cơ sở chăn nuôi vi phạm về quy định môi trường nhưng bị xử phạt ở mức thấp, thiếu tính răn đe.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn ông Trương Hải Long - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, Sở TN&MT cần xử lý kịch khung về ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi vi phạm. Nếu vi phạm nhiều lần, cần có những biện pháp nặng hơn, cần thiết thì chuyển cơ quan điều tra, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi.