Cần có hướng nới room với nhà đầu tư nước ngoài

Thứ sáu, 23/11/2018 08:22 AM - 0 Trả lời

(CLO) Hiện nay, giới hạn tỷ lệ sở hữu room ngoại tại một ngân hàng là 30%. Để giúp các ngân hàng huy động được nhiều vốn hơn qua kênh nhà đầu tư ngoại. Nhất là trong bối cảnh sức ép tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II ngày càng đến gần, có ý kiến đề xuất là nên xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Báo Công luận
Hiện Chính phủ mới chỉ chấp thuận nới room đối với các ngân hàng yếu kém (Ảnh TL)

Cần thiết nhưng không nên quá gấp

Đề xuất nới room theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành không phải mới bàn tới mà đặt ra từ khá lâu, nhưng vì đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến vai trò của nhà nước với bên ngoài, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô… nên Chính phủ cũng cần có cái nhìn thận trọng. Vì vậy, Chính phủ mới chỉ chấp thuận nới room đối với các ngân hàng yếu kém.

Theo vị này, nếu nới dưới 50% thì vẫn có thể xem xét, có thể phát hành dạng cổ phiếu vàng. Với loại cổ phiếu này, nhà đầu tư được mua, nhưng không có quyền biểu quyết.

“Thông lệ quốc tế tại một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan khá cởi mở với vấn đề này khi mở room nước ngoài cho ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam còn có nhiều yếu tố mang tính đặc thù nên quan điểm thận trọng là cần thiết”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi, liệu thời điểm này đã phù hợp để nới room và nới ở mức nào cho phù hợp để thu hút dòng vốn ngoại, TS. Cấn Văn Lực cho hay, việc nới room cho nhà đầu tư ngoại không quá gấp gáp. Hiện, Chính phủ đã có cơ chế mở cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua 100% vốn các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc.

Còn đối với các ngân hàng khác, thì mức độ hiện nay vẫn đang phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện có một số ngân hàng chưa dùng room ngoại. Lý do thì có nhiều, trong đó có tác động từ việc thị trường lên xuống mạnh khiến các nhà đầu tư phải đắn đo. Điều cần lưu tâm nhất là ngân hàng vẫn nhạy cảm hơn so với DN bình thường nên lộ trình mở room, chắc chắn phải từ từ. 

“Cách thức nới room ngoại đối với hệ thống ngân hàng phải tương đối thận trọng, bởi vì “dục tốc bất đạt” nhưng Chính phủ cũng cần phải đánh giá tiếp tục cân nhắc để có hướng nới room với nhà đầu tư nước ngoài để khớp với bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng” TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Báo Công luận
 Mới đây, BIDV đã chính thức chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) để tăng vốn (Ảnh TL)

Nhiều thương vụ lớn

Trên thực tế hiện nay, đã có ngân hàng thành công trong việc chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và nhiều ngân hàng cũng đang lên kế hoạch để chào bán cổ phần với nhà đầu tư ngoại.

Mới đây, BIDV đã chính thức chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) để tăng vốn. Theo phương án trình cổ đông, BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau khi tăng vốn cho KEB Hana Bank. Toàn bộ vốn huy động đợt này sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh. Hiện thương vụ đang diễn tiến theo chiều hướng tích cực.

Trước đó, Vietcombank cũng được NHNN chính thức chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn theo phương án Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo chia sẻ của lãnh đạo Vietcombank, mức phát hành thêm 10% là tỷ lệ sở hữu khá lớn và Vietcombank cũng đã cân nhắc khả năng có nhà đầu tư nước ngoài lớn mua và tham gia HĐQT. Trong đó, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) là một trong những nhà đầu tư tiềm năng của Vietcombank. Nếu thành công, Vietcombank tăng vốn điều lệ từ hơn 35.977 tỷ đồng lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm 10%).

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu tăng vốn thành công, hai ngân hàng là BIDV, Vietcombank sẽ giải tỏa áp lực tăng vốn đảm bảo an toàn vốn dồn nén trong mấy năm qua. Nếu không cải thiện được, các ngân hàng này phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số CAR trên ngưỡng tối thiểu. Điều đáng nói, hai ngân hàng trên là ngân hàng quy mô rất lớn, nếu bị hạn chế tăng trưởng tín dụng sẽ tác động mạnh đến kênh cấp vốn đối với nền kinh tế của hệ thống ngân hàng.

 Đức Minh

Tin khác

Thị trường vàng lại chấn động, giá vàng “rơi tự do”

Thị trường vàng lại chấn động, giá vàng “rơi tự do”

(CLO) Trong phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 4 ở thị trường Mỹ, vàng lại chấn động khi giá “rơi tự do”, nhiều thời điểm thủng mốc quan trọng 2.300 USD/ounce.

Tài chính - Bảo hiểm
Vàng SJC “nghỉ lễ”, vàng nhẫn vẫn nóng lên

Vàng SJC “nghỉ lễ”, vàng nhẫn vẫn nóng lên

(CLO) Trong khi vàng SJC “nghỉ lễ” cùng người lao động, vàng nhẫn tròn trơn vẫn nóng lên nhưng thấp hơn mức cao kỷ lục.

Tài chính - Bảo hiểm
Giảm mạnh ngày lễ, giá vàng SJC vẫn “nóng bỏng tay” so với vàng thế giới

Giảm mạnh ngày lễ, giá vàng SJC vẫn “nóng bỏng tay” so với vàng thế giới

(CLO) Dù giảm mạnh trong ngày nghỉ lễ nhưng giá vàng SJC vẫn cao vượt trội so với giá vàng thế giới.

Tài chính - Bảo hiểm
Bamboo Capital (BCG) mục tiêu lợi nhuận tăng 6 lần, đưa Bảo hiểm AAA lên UPCoM

Bamboo Capital (BCG) mục tiêu lợi nhuận tăng 6 lần, đưa Bảo hiểm AAA lên UPCoM

(CLO) Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng gấp 6 lần so với thực hiện năm 2023. Đưa bảo hiểm AAA lên UPCoM.

Tài chính - Bảo hiểm
Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu doanh thu 4.566 tỷ đồng, lãi sau thuế 379 tỷ đồng tăng gần 20%

Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu doanh thu 4.566 tỷ đồng, lãi sau thuế 379 tỷ đồng tăng gần 20%

(CLO) Tập đoàn Đạt Phương (DPG) đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 4.566 tỷ đồng, tăng 32,3%. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch 379 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ

Tài chính - Bảo hiểm