Cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh
(CLO) Góp ý vào dự án Luật hóa chất (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh như: hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc ưu đãi tín dụng…
Phục vụ công tác sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang rất khẩn trương triển khai nhiệm vụ, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tới đây sẽ diễn ra trong khoảng gần hai tháng. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ họp nhiều phiên để phục vụ công tác sắp xếp đơn vị hành chính.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV.
Liên quan đến các dự án luật thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các dự án luật thảo luận tại Hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng, tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp như: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số trong nước như Luật Công nghiệp công nghệ số; bắt kịp sự vận động của xã hội, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo...
Bên cạnh đó, cũng có các dự án luật nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận xã hội và các vị Đại biểu Quốc hội như Luật Nhà giáo; đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm như Luật Việc làm (sửa đổi)...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.
Tại các phiên họp tháng 1, 2 và tháng 3/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến rõ về những vấn đề cụ thể, quan trọng đối với từng dự án luật; thống nhất chỉnh lý nhiều nội dung so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp trước đó và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình Hội nghị hôm nay…
Nhấn mạnh Kỳ họp Quốc hội thứ 9 tới đây có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử đối với đất nước. Khối lượng nội dung rất nhiều, trong khi thời gian chuẩn bị lại ngắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tích cực nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến ngắn gọn, súc tích, tránh trùng lặp, có phân tích sâu, lập luận thuyết phục và đề xuất phương án cụ thể; đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu, ngay sau kết thúc Hội nghị này, các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi các đại biểu Quốc hội, đảm bảo đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu các nội dung trình tại Kỳ họp sớm nhất.
Điểm mới - quy định áp dụng nguyên tắc hóa học xanh
Thảo luận tại phiên họp, quan tâm đến nội dung về dự án Luật hóa chất (sửa đổi) quy định tại Điều 6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho biết, dự án có quy định áp dụng nguyên tắc hóa học xanh. Đây là một điểm mới và điểm sáng trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về cách áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh như: hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc ưu đãi tín dụng.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Dự thảo Luật quy định dự án hóa chất phải áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, quy định này có nguy cơ không đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật khác và chưa thực sự minh bạch. Bởi, các nguyên tắc khoa học xanh thường chỉ mang tính định hướng với nhiều chỉ tiêu định hướng, doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật khác nhau để đạt được nguyên tắc này phù hợp với điều kiện thực tế của dự án. Do đó, việc xác định công nghệ, thiết bị của một dự án phù hợp với nguyên tắc hóa học xanh sẽ mang tính chủ quan của người đánh giá. Điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình thực hiện và áp dụng trên thực tiễn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định yêu cầu các dự án hóa chất đáp ứng nguyên tắc hóa học xanh từ hình thức bắt buộc chuyển sang hình thức khuyến khích thì sẽ phù hợp hơn.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định về khoảng cách an toàn đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh hóa chất trong khu dân cư. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn có thể kinh doanh hóa chất trong khu dân cư mà không đảm bảo các yêu cầu về an toàn. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định có liên quan để đảm bảo đầy đủ các yêu cầu an toàn và giảm thiểu các sự cố trong khu dân cư.

Toàn cảnh Hội nghị.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật có quy định về điều kiện tư vấn hóa chất là có bằng đại học trở lên về hóa chất. Theo đại biểu, quy định này đã làm giới hạn sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước được đào tạo chuyên sâu về an toàn hóa chất, sự cố hóa chất thuộc các nhóm ngành về an toàn lao động. Do đó, đại biểu kiến nghị xem xét điều chỉnh nội dung này cho phù hợp.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) băn khoăn về điều kiện bằng cấp của cá nhân hoạt động tư vấn. Dự thảo Luật quy định, đối với tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn xây dựng dự án hóa chất phải có ít nhất một cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành về hóa chất. Đối với tổ chức tư vấn lựa chọn công nghệ, thiết bị thi công, lắp đặt thiết bị đối với dự án hóa chất tư vấn an toàn, an ninh hóa chất và cá nhân hoạt động tư vấn hóa chất thì phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về hóa học.


Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc: một bên phải có bằng đại học chuyên ngành về hóa chất, còn một bên thì bằng đại học chuyên ngành về hóa học. "Quy định khác nhau như vậy có cần thiết không?", đại biểu nêu.
Ngoài ra, nếu quy định rõ, quy định chính xác điều kiện phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành về hóa chất thì tương đối khó thực hiện vì đây là chuyên ngành khá hẹp, hiện nay ở Việt Nam cũng không có nhiều trường đại học đào tạo về chuyên ngành này. Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo có thể nghiên cứu, cân nhắc để quy định rộng hơn như: chuyên ngành liên quan đến hóa chất hay là chuyên ngành liên quan đến hóa học thì sẽ linh hoạt hơn trong áp dụng thực tế.