Cần "giải bài toán" nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia

Chủ nhật, 21/04/2019 08:34 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia đang đến hồi kết với hàng loạt danh sách người vi phạm được công bố. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để dứt điểm tình trạng nâng điểm, trả lại sự trong sạch cho ngành giáo dục? Đây là vấn đề khiến cả xã hội đang quan tâm hơn bao giờ hết.

GS. Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với học sinh THPT Xuân Áng (Phú Thọ) về khởi nghiệp trong thời đại 4.0 ngày 8/4/2019.

GS. Nguyễn Lân Dũng nói chuyện với học sinh THPT Xuân Áng (Phú Thọ) về khởi nghiệp trong thời đại 4.0 ngày 8/4/2019.

Phóng viên Nhà báo và Công luận đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với GS,TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng  - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, Cố vấn Việt Nam của Hội Liên hiệp Thanh niên Quốc tế IYF.

Thưa Giáo sư, hiện nay vụ việc nâng khống điểm thi xảy ra ở một số địa phương đang là vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục nước nhà, dư luận cho rằng không chỉ xảy ra năm 2018 mà trước đó đã có hiện tượng nâng điểm thi này, nhưng tại sao bây giờ mới phát hiện ra. Ý kiến của GS về vấn đề này ?

- Theo tôi, việc nâng điểm trong thi cử không chỉ có trong thời gian vừa rồi mà đã có từ trước đó, trước cả năm học 2018. Nhưng tại sao vừa rồi mới phát hiện ra? Bởi vì đề thi toán năm vừa rồi quá khó. Có một thầy giáo dạy toán nói rằng, chỉ trong 90 phút thì giáo sư dạy toán cũng không thể làm hết bài, cho nên số điểm được nâng lên một cách bất thường như vậy lại xảy ra ở những tỉnh dân trí không cao như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì việc dẫn đến những nghi ngờ là khó tránh khỏi. Và tôi khẳng định hiện tượng nâng điểm này có từ trước đó, không riêng năm 2018.

Khi đã để các tỉnh tự chấm thi thì việc để những người có quyền có chức, có tiền thao túng cho con cái mình là điều dễ hiểu. Mà những người có chức, có quyền trong giáo dục lại nằm trong đội ngũ chấm và kiểm soát bài thi thì việc người ta có thể lấy lại bài thi và sửa bài thi là rất dễ dàng. Qua đó thấy rõ, quy trình chấm thi không được chặt chẽ, khoa học mới dẫn đến sự việc đáng tiếc này.

Theo đó, có thể lật ngược lại vấn đề, nếu trước đây khi để các trường tự quyết định việc tổ chức thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp và tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện để thí sinh được tham gia thi thì hoàn toàn không xảy ra hiện tượng nâng điểm. Nhưng khi gộp 2 kỳ thi trên làm một, thì lại khác. Phải chăng "việc đi tắt đón đầu" này đang có vấn đề, tuy là tiết kiệm chi phí tổ chức thi, đi lại cho thí sinh nhưng lại tạo ra lỗ hổng quá lớn trong giáo dục?

- Theo tôi, vẫn có thể áp dụng phương pháp gộp hai kỳ thi làm một để giảm tải chi phí trong giáo dục nhưng phải để tự các trường đại học, cao đẳng, trung cấp quyết định. Các trường có thể tham gia vào chấm thi và có quyền căn cứ vào điểm thi để tuyển sinh, tuy nhiên phải đảm bảo mức sàn không được quá thấp.Theo đó, phải lấy điểm tốt nghiệp THPT làm mức điểm tối thiểu để xét dự thi vào các trường chứ không phải lấy điểm tốt nghiệp THPT để quyết định xét tuyển vào các trường. Chẳng hạn như Trường Đại học Y áp dụng phương pháp phải đạt điểm thi tốt nghiệp THPT tối thiểu là bao nhiêu thì mới đủ điều kiện được dự thi là một ví dụ. Có như vậy chất lượng giáo dục mới được đảm bảo ngay từ khâu đầu vào.

Như vậy, vấn đề hiện tại là có sai thì phải có sửa. Nhưng sửa như thế nào mới là vấn đề. Quan điểm của G.S như thế nào ạ?

- Hiện tại, quan trọng nhất là chấm dứt những sơ suất trong thi cử, phải làm thế nào để người ta muốn gian lận cũng không thể gian lận được mới là yêu cầu trong cách xử lý.

Mới đây, tôi có họp với Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, tôi thấy ý kiến của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra là cố gắng dùng "phương pháp chuyển qua cáp quang" khá hợp lý khi chuyển tất cả bài thi trắc nghiệm về các cụm để chấm và có sự tham gia của các trường đại học. Còn bài thi tự luận có thể chấm tại chỗ nhưng phải có sự giám sát của cơ quan công an đến khi có kết quả nộp về sở. Như vậy chắc chắn sẽ hạn chế được sự quen biết, kiêng nể và kiểm soát chặt chẽ việc chấm thi. Tất cả các khâu như niêm phong bài thi, quản lý bài thi, tổ chức chấm thi... đều có sự giám sát từ trên xuống dưới thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được việc gian lận trong thi cử. Tới đây, chúng ta phải áp dụng được phương pháp này vào kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019 - 2020 thì mới thể hiện được tính nghiêm minh trong kỳ thi, và ngăn chặn các hành vi gian lận.

Theo Gs, phải xử lý những người sai phạm trong kỳ thi THPT năm học 2018 - 2019 vừa qua như thế nào để đủ sức răn đe và để nâng điểm không thể còn con đường "quay trở lại" thưa ông?

- Không thể phủ nhận vụ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã gây bức xúc lớn trong xã hội. Bởi, các thí sinh có học lực kém lại đỗ đại học, trong khi đó các em khá hơn lại không đỗ đại học, gây mất công bằng trong giáo dục. Theo đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh nhưng xử lý phải đúng vấn đề. Có 3 đối tượng cần phải xét trong vấn đề này.

Trước tiên là học sinh: Xét một cách khách quan, các em là nạn nhân của sự việc này, mặc dù có thể các em đã biết mình được nâng điểm nhưng cũng có thể các em không biết. Và để đảm bảo công bằng thì những em được nâng điểm, khi được chấm thẩm định lại có số điểm không đạt điểm chuẩn của các trường đề ra thì buộc các em đó vẫn phải thôi học và dành xuất đó cho những em xứng đáng hơn. Nhưng theo tôi không cần công khai danh tính của các em. Chuyện công bố danh tính các em được nâng điểm ảnh hưởng quá lớn đến tương lai của các em đó. Việc các em bị trả về nhà là một cơ hội để các em nhìn nhận lại việc học của mình và từ đó có ý thức hơn trong học tập, học cho mình. Từ đó nâng vấn đề nhận thức để các em thấy cần bước vào đời bằng chính kiến thức, khả năng của mình chứ không phải vào đời nhờ sự gian lận.

Đối tượng thứ hai là người chạy điểm cho các em (có thể là bố mẹ, họ hàng của các em...), qua sự việc lần này, họ cũng có cơ hội nhìn nhận lại cách giáo dục con cháu của mình. Nhận thức được việc chạy điểm cho con đâu đã là việc tốt cho con họ. Việc kỷ luật những người dùng tiền để chạy điểm thi cho con, theo tôi là cần thiết, nó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cũng qua đó có tính răn đe đối với cả cộng đồng. Sự công bằng rất cần thiết trong xã hội và trong giáo dục càng cần phải coi trọng, vì đó là môi trường nuôi dạy mỗi con người chưa trưởng thành.

Đối tượng thứ ba là người lợi dụng chức quyền nhận tiền hối lộ để thực hiện việc sửa điểm, hoặc lợi dụng chức quyền để chỉ đạo người khác nâng điểm cho con cháu thì kết quả đã có gần 20 người bị đưa ra khởi tố. Theo tôi những trường hợp này cần phải được xử lý đúng theo pháp luật hiện hành, không bao che, không khoan nhượng.

Thế giới đang hội nhập cuộc cách mạng 4.0, các nước trong khu vực đang rất đầu tư cho giáo dục để phấn đấu đào tạo thế hẹ trẻ thành công dân toàn cầu thì Việt Nam lại vướng phải sự việc này. Vậy theo G.S, Việt Nam cần bắt đầu từ đâu, làm những gì để có thể bắt kịp và hội nhập cuộc cách mạng 4.0?

- Các trường đại học trong đó có Ngành sư phạm phải là ngành cần ưu tiên hơn cả vì ngành này phải thu hút được nhiều người giỏi, có thế thì mới có thể đào tạo ra nhiều người giỏi khác và mới có thể giúp đất nước nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, để có người giỏi thì chúng ta phải thay đổi chiến lược. Nếu muốn trường sư phạm có nhiều người giỏi thì trường sư phạm phải có ưu tiên, phải có học bổng cho sinh viên và có nhiều đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo nhiều hơn nữa.

Và vấn đề đáng quan tâm nhất là thi đại học phải do nhu cầu xã hội. Đừng để tình trạng ngay từ năm 2016 đã có tới 225.000 em ra trường mà thất nghiệp. Như vậy ngành nghề ở mỗi trường phải phù hợp với nhu cầu xã hội, nhất là phải phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. 

Đặc biệt, để đảm bảo dân trí toàn dân thì các ngành phải nâng cao chất lượng, phải lấy người học làm trung tâm và lấy nhu cầu xã hội làm mục tiêu đào tạo. Theo tôi để đáp ứng tốt cuộc cách mạng 4.0 thì cần ưu tiên các ngành như công nghệ thông tin, ngoại ngữ, công nghệ nano, công nghệ sinh học… Đừng hướng tất cả mọi người vào đại học. Hãy để các học sinh, sinh viên trở thành những con người tự do: Tự do lựa chọn, tự do kiến tạo, tự do quyết định cuộc đời của mình bằng những đam mê, sở thích của chính các em.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Lương Minh (Thực hiện)

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục