Căn hộ tại Hà Nội: Nhiều dự án “ế dài cổ” nhưng giá vẫn tăng 11%
(CLO) Mặc dù tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội rất thấp, chỉ đạt 23%, thế nhưng giá bán vẫn tăng rất mạnh.
Giá căn hộ tại Hà Nội tăng 11%
Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường căn hộ tại Hà Nội đang thiếu nguồn cung trầm trọng, điều này khiến giá căn hộ tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, trong nửa năm, toàn thành phố có thêm 1.600 căn hộ mới, từ 6 dự án được đưa ra thị trường, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Giá căn hộ tại Hà Nội tăng 11%.
Tương tự, trong bối cảnh lo ngại dịch bệnh bùng phát, nhiều chủ đầu tư đã giảm quy mô mở bán. Nguồn cung sơ cấp giảm 27% so với năm ngoái, xuống còn 21.300 căn.
Cũng theo báo cáo của Savills, số lượng căn hộ được bán ra chỉ đạt 4.800 căn, đạt tỷ lệ hấp thụ thấp, chỉ 23% tổng nguồn cung. Số lượng giao dịch hạng B và C chiếm 94%. Như vậy, có thể thấy, thị trường giao dịch căn hộ đang có xu hướng chững lại, nhiều dự án đang rơi vào cảnh ế ẩm.
Dù “ế”, thế nhưng giá căn hộ vẫn tăng. Báo cáo Savills cho biết, giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021 là 1.625 USD/m2, khoảng 37,37 triệu đồng/m2, tăng 11% so với năm ngoái. Các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm.
Theo dự báo của Savills, trong năm 2021, 18 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của hai dự án sẽ cung cấp khoảng 14.300 căn hộ. Phần lớn sẽ là các dự án hạng B với 81% thị phần và nằm ở các quận Từ Liêm với 47%, Hoàng Mai với 23% và Long Biên với 11% thị phần.
Giá căn hộ ngoại thành tiệp cận khu trung tâm
Với mức tăng 11% so với năm 2021, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho biết: Đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng.
Bà Hằng giải thích có 2 nguyên nhân khiến giá căn hộ ngoại thành tăng nhanh, tiệp cận với giá căn hộ khu trung tâm. Thứ nhất, nguồn cung căn hộ ngày càng ít, buộc các chủ đầu tư lựa chọn ra ngoại thành nhằm phát triển các dự án lớn.

Giá căn hộ ngoại thành tiệp cận khu trung tâm.
Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tại Hà Nội đang thu hẹp khoảng cách về giá giữa khu vực đô thị và lân cận.
Bên cạnh đó, quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đặt mục tiêu giảm dân số của khu vực, đồng thời khẳng định xu hướng phát triển chung cư hướng ra ngoài trung tâm và tạo điều kiện cho việc cải tạo, nâng cấp cũng như tạo ra các dòng sản phẩm cao cấp nâng tầm vị thế thị trường.
Theo bà Hằng, trên thực tế, từ năm 2017, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy, nơi có các cơ sở chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng. Giá bán sơ cấp tại quận Long Biên tăng 12%/năm do vị trí gần khu trung tâm và những cải thiện về cơ sở hạ tầng gần đây.
Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ ngoại thành cũng đang chiếm tỷ trọng áp đảo. Đơn cử, năm 2017, khu vực Hoài Đức, Thanh Trì cung cấp ra thị trường 6% tổng lực cung, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh chiếm 32% thị phần. Bà Hằng dự báo, từ năm 2021 trở đi, các huyện ngoại thành sẽ cung cấp 27% nguồn cung.
“Không chỉ các huyện ngoại thành Hà Nội, ngay cả các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh cũng được hưởng lợi nhờ sự phát triển hạ tầng xung quanh thành phố. Trong tương lai, các yếu tố này cũng giúp giá đất, giá căn hộ tại các tỉnh lân cận bật tăng”, bà Hằng nói.