(CLO) Quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn bởi hành lang pháp lý hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện và đặc biệt là đối với các tổ chức nước ngoài khi muốn mua nợ xấu của Việt Nam.
[caption id="attachment_103826" align="aligncenter" width="600"]
Theo các chuyên gia, chỉ khi hoàn thiện khung pháp lý về tài sản thế chấp thì nợ xấu mới có thể có khả năng được giải quyết - Ảnh minh họa[/caption]
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, mấu chốt của vấn đề xử lý nợ xấu chính là xử lý tài sản bảo đảm. Tức là tài sản đảm bảo phải có tính thanh khoản cao, có giá trị nhất định trên thị trường thì khi đó, nợ xấu sẽ được dựa trên giá trị của tài sản đảm bảo này để xử lý, định giá. "Mà tại Việt Nam, thanh lý tài sản bảo đảm chính là khâu còn tồn tại nhiều vướng mắc nhất", ông Hiếu khẳng định.
Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho các ngân hàng Việt Nam vẫn còn khá lúng túng trong chứ chưa nói đến đối tượng là các tổ chức nước ngoài".
Bên cạnh đó, vấn đề chuyển nhượng tài sản bảo đảm cho một pháp nhân nước ngoài tại VIệt Nam còn vô cùng hạn hẹp. "Chưa có một hệ thống pháp lý nào đầy đủ cho phép chuyển nhượng tài sản là công sản của thị trường trong nước cho đối tượng nước ngoài", ông Hiếu khẳng định thêm.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã chia sẻ, có nhiều tổ chức nước ngoài bày tỏ mong muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc mua bán này nên vẫn dừng lại ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu mà chưa đi tới đặt vấn đề chính thức.
Ngoài vấn đề về pháp lý, ông Độ còn cho rằng, khi thực hiện mua bán nợ thì cần phải là quan tâm đến vấn đề giá cả. "Bất kỳ ngân hàng nào lại cũng sẽ bán nợ xấu khi thỏa thuận được giá bán hợp lý", ông Độ chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, pháp luật của Việt Nam có xu hướng bảo vệ quyền lợi của người đi vay hơn là của người cho vay. Trong khi ở các nước phương Tây thì lại hoàn toàn ngược lại. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thu mua nợ xấu của ngành ngân hàng.
Để nợ xấu có thể được giải quyết, Quốc hội phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp lý về những vấn đề trên để khuyến khích và tăng cường sự quan tâm cũng như quyền lợi của các chủ thể mua nợ.
"Không chỉ có hoàn thiện hệ thống pháp lý mà còn phải quan tâm hơn đến vấn đề thực thi. Hoàn thiện nhanh chóng cơ sở pháp lý sau đó tăng cường thi hành và giám sát quá trình thực thi luật thì mới có thể thúc đẩy quá trình thu mua nợ xấu của thị trường ngân hàng", ông Độ một lần nữa chia sẻ.
Ngoài ra, Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi hệ thống pháp lý về thanh lý tài sản đảm bảo cũng như luật về phá sản. Pháp luật nước ta chưa có luật phá sản hoàn thiện khi chỉ cho phép doanh nghiệp phá sản mà không cho hệ thống cá nhân được phép phá sản.
Quỳnh Liên