Chuyện về người cựu học viên thứ 5 Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng:

Cần lắm một tấm lòng…

Thứ năm, 18/04/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đến cuối năm 2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp cận, trò chuyện, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình và khai thác tư liệu, hiện vật của 4 cựu học viên còn sống của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đến cuối năm 2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp cận, trò chuyện, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình và khai thác tư liệu, hiện vật của 4 cựu học viên còn sống là Nhà báo Phạm Viết Thiệu, 96 tuổi - nguyên Tổng biên tập báo Hòa Bình, nguyên Giảng viên Trường Tuyên giáo Trung ương nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Nhà báo Trần Kiên, 94 tuổi - nguyên Phóng viên thường trú đầu tiên của báo Nhân dân và Thông tấn xã Việt Nam năm 1958 tại Matxcơva, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân; Nhà báo Lý Thị Trung, 91 tuổi - nguyên Phụ trách đầu tiên của báo Phụ nữ Thủ đô; bà Phạm Thị Mai Cương, 91 tuổi - nguyên phóng viên báo Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Chính.

Ngày 4/4/2019, tại Thái Nguyên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có một số đóng góp trong việc sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu và khai thác, phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ, thông qua việc tổ chức trưng bày chuyên đề cũng như việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng Bia Di tích lịch sử Quốc gia và chuẩn bị một số nội dung phục vụ Lễ Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ngay sau khi sự kiện kết thúc, ngày 5/4/2019, giữa rất nhiều ý kiến bày tỏ niềm xúc động và sự ủng hộ gửi tới Bảo tàng, xuất hiện một trang mạng xã hội với những lời bình bất nhã và ngày 10/4, một tờ báo giữa tháng phát hành, trên đó có bài báo chứa thông tin sai về việc Bảo tàng Báo chí đã “cố tình lãng quên” một học viên còn sống của trường dạy làm báo năm xưa.

Cụ Như Mai chụp ảnh với Nhà báo Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh.

Cụ Như Mai chụp ảnh với Nhà báo Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh.

Trước tình hình trên, tại Hà Nội, các cán bộ Bảo tàng Báo chí liền gấp rút liên lạc với các cụ cựu học viên với hy vọng biết đâu các cụ còn nhớ được điều gì nhưng chỉ có cụ Trần Kiên còn nhớ mang máng rằng trong lớp có một học viên tên là Như Mai, nghe nói sau này làm báo ở Quảng Ninh. Vậy là có một căn cứ để hy vọng!

Từ manh mối ban đầu cần kiểm chứng, các cán bộ Bảo tàng lập tức liên lạc với Hội Nhà báo Quảng Ninh, nhờ nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội xác minh hộ.

Chỉ vài giờ đồng hồ sau, nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm và khẩn trương của Hội Nhà báo Quảng Ninh, những thông tin đầu tiên về cựu học viên thứ 5 đã về đến Bảo tàng về nhà báo, nhà văn Ngô Như Mai, tên khai sinh là Ngô Huy Bỉnh. Rất tiếc là khi các cán bộ Hội đến nhà thăm cụ, hỏi về các chuyện học báo, làm báo ngày xưa, cụ Như Mai hoàn toàn không nhớ gì. Hỏi cụ có học Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không, cụ bảo tôi không học ở đó. Đưa tấm ảnh các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cho cụ xem, cụ lắc đầu không biết những người trong ảnh.

Cụ Như Mai từ năm 1954 đã tham gia làm báo Vùng mỏ, báo Quảng Ninh và báo Hạ Long. Là người nhiều lần đến thăm hỏi cụ Như Mai trong các năm gần đây, nhà báo Ngọc Hà cho biết những năm đó sức khỏe cụ Mai nói chung tốt song trí nhớ giảm do tuổi đã cao. Điều đáng nói là hầu như ở địa phương không ai biết được rõ việc cụ đã từng là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra sao. Cũng chưa có tài liệu hay bài báo nào đề cập đến cụ thể việc này. Ngay cả bài viết trên tờ báo giữa tháng ra ngày 10/4 cũng chỉ nhắc đến việc cụ là học viên lớp viết báo của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mà không đưa ra những chi tiết cụ thể và những tư liệu đi kèm khác để minh chứng.

Tưởng như câu chuyện về người cựu học viên thứ 5 còn sống của ngôi trường dạy làm báo mang tên nhà báo, nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng bảy thập kỷ trước đặt tại xóm Bờ Rạ năm xưa, nay thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chỉ dừng lại ở đó.

Đến 16h chiều, sau khi vất vả lục tìm hồ sơ các hội viên, các cán bộ Hội  ở Quảng Ninh đã tìm thấy một tờ “Phiếu xin cấp thẻ nhà báo” ố vàng đề ngày 10/12/1980 và có chữ ký cùng dấu đỏ của lãnh đạo cơ quan xác nhận nhà báo Như Mai, tên khai sinh là Ngô Huy Bỉnh, sinh ngày 1/3/1924 tại Hà Nội, hiện sống tại số nhà 81B Phố Nhà Thờ, Hòn Gai, là “tổ phó Tổ thư ký tòa soạn” của báo Quảng Ninh thời điểm đó. Phần khai về trình độ, nhà báo Như Mai ghi rõ: “- Văn hóa: Tương đương lớp 10 phổ thông; - Ngoại ngữ: Tiếng Pháp; - Nghiệp vụ: Học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng Khóa I”.

Ông vốn là học sinh Hà Nội, tham gia cách mạng từ tháng 10/1944, thuộc Đội tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu, cho đến năm 1947 thì bắt đầu vào nghề báo tại báo Cứu Quốc khu 1, khu 12, khu 3 trước khi thuộc con số của tờ Cứu Quốc Thủ đô. Từ năm 1954, ông về báo Quảng Ninh công tác và đến năm 1980 đã trải qua các vị trí chuyên môn như Tổ trưởng tổ công nghiệp trung ương, Thư ký tòa soạn báo và Tổ phó tổ thư ký tòa soạn báo.

22h đêm ngày 10/4, thêm một thông tin “quý như vàng” từ nhà báo Ngọc Hà: “Cụ Như Mai có con trai nguyên là Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, hiện mới nghỉ hưu, là nhà báo Ngô Hà Thái”!

Thế là cuộc gọi lúc 22h đã phá tan cái ngại ngùng đêm hôm bởi có lý do chính đáng. Khi chúng tôi xin phép được hỏi về người cha thân sinh của anh và việc cụ có phải đã từng là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không, anh nói cũng chỉ nghe loáng thoáng và chưa rõ việc này. Cẩn thận hơn, anh còn nhắc chúng tôi là “có hai cụ cùng có tên là Như Mai đấy, một cụ là Hoàng Như Mai!”. Trong câu chuyện, anh Thái cho biết cụ Ngô Như Mai, tên khai sinh là Ngô Huy Bỉnh, tác giả của tác phẩm “Thi sĩ máy” nổi tiếng ngày nào hiện tuổi đã cao và từ vài năm nay trí nhớ kém nên không thể giúp trả lời được điều gì chắc chắn. Các hồ sơ, tài liệu, sổ sách, ghi chép thời cụ làm báo trong kháng chiến hiện gia đình vẫn chưa có dịp tìm hiểu, sắp xếp lại và cần có thời gian để làm việc đó. Anh hẹn có dịp sẽ đưa cán bộ Bảo tàng Báo chí về Quảng Ninh thăm cha mình và “nhất định tới đây sẽ lên Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên để tham quan Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”…

Phiếu xin cấp thẻ nhà báo có bút tích tự khai của Nhà báo Như Mai năm 1980 có xác nhận của Báo Quảng Ninh.

Phiếu xin cấp thẻ nhà báo có bút tích tự khai của Nhà báo Như Mai năm 1980 có xác nhận của Báo Quảng Ninh.

Lời hẹn của nhà báo Ngô Hà Thái về chuyến thăm nhà báo Như Mai và chuyến đi về nguồn khiến những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam vừa vui mừng, vừa nuối tiếc.

Vui vì đã có những căn cứ khá xác đáng để tìm được thêm một cựu học viên của Trường dạy làm báo xưa – một cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất trong kháng chiến chống Pháp. Vui hơn là khi có những manh mối cần kiểm chứng, đã gặp được sự ủng hộ nhiệt tình từ Hội Nhà báo Quảng Ninh để nhanh chóng xác định được nhân chứng còn sống.

Song lại nuối tiếc vì càng thấy rõ thời gian 70 năm đã khiến việc tìm kiếm tư liệu lịch sử của ngôi trường đặc biệt, độc đáo nhất trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta càng khó khăn hơn bao giờ hết. Việc kiểm chứng các căn cứ lịch sử đó có lúc còn bế tắc. Và, giá như thông tin về nhà báo Như Mai đến sớm hơn, chắc chắn sẽ có thêm cuộc hội ngộ xúc động trên mảnh đất ATK Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên và nhà báo Ngô Hà Thái sẽ có dịp tận mắt chứng kiến và kể cho người cha thân sinh về tấm bia Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã mọc lên như thế nào trên vùng đất in dấu chân những nhà báo kháng chiến một thời…

Qua sự kiện 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, càng thấy trân trọng hơn những tâm huyết, chia sẻ, những đóng góp, giúp đỡ về mọi mặt của các cấp, các ngành, của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội nhà báo cả nước, của các cựu học viên, thân nhân gia đình giảng viên và học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Nhờ hiệu ứng lan tỏa của sự kiện mà ngay từ những thông tin thiếu thiện chí trên mạng xã hội hay chi tiết sai lệch của một bài báo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam lại có cơ hội tìm ra được thêm một nhân chứng lịch sử còn sống. Chính sự quan tâm,  chung sức, chung lòng đã giúp con đường về nguồn trở nên gần hơn. Sự đơn độc sẽ khiến đường xa càng xa hơn, đường gập ghềnh càng gập ghềnh hơn. Cần lắm những bàn tay, những tấm lòng như các cán bộ Bảo tàng Báo chí đã tìm thấy ở Hội Nhà báo Quảng Ninh.

Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung các nhà báo xảy ra tại huyện Thanh Trì mới đây.

Công tác hội
Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội