Tin tức

Cần mang tinh thần doanh nhân vào đổi mới, phát triển giáo dục đại học

Quốc Trần 30/06/2025 20:45

(CLO) Về giáo dục đại học muốn giảm yếu tố quản lý mang tính cứng nhắc và mạnh dạn hơn nữa trong tự chủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận xét, như việc "quy định thế nào, trao quyền cho hiệu trưởng ra sao, đặc biệt có ý kiến cho rằng cần mang tinh thần doanh nhân vào đổi mới, phát triển giáo dục đại học".

Chiều 30/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo.

Theo đó, về mục tiêu tới năm 2030 và tầm nhìn 2045, dự thảo Nghị quyết đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, bám sát các chỉ số đánh giá giáo dục thông dụng quốc tế, gắn với mục tiêu phát triển đất nước tới 2030 và 2045: Tiếp cận công bằng trong giáo dục, tiến tới phổ cập trung học phổ thông (và tương đương), nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động và đặc biệt là hiện đại hóa, phát triển hệ thống giáo dục đại học ngang tầm khu vực, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài khoa học - công nghệ cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

ndt0442-1751282463302288664242.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì trường học phải là công trình đẹp nhất

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, GS. Hoàng Văn Cường cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh đầu tư của Nhà nước là trung tâm, vai trò dẫn dắt; đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực từ xã hội, để phát triển bao trùm, bảo đảm công bằng tiếp cận giáo dục, đồng thời tạo ra các lĩnh vực mũi nhọn để dẫn dắt. Còn đầu tư từ xã hội hóa thì đáp ứng nhu cầu đa dạng, các ngành nghề của xã hội.

Bên cạnh đó, các trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của các ngành nghề, các lĩnh vực mới.

Đánh giá "đây là một Nghị quyết đầy hy vọng, hướng tới tương lai", GS. Trần Diệp Tuấn (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh) mong muốn các chính sách đặc thù, vượt trội trong Nghị quyết phải cụ thể hơn. Trong đó đầu tư cho giáo dục đại học cần tập trung vào những lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu phát triển sắp tới, như: Khoa học máy tính, khoa học sức khỏe, y sinh,...; tập trung "cởi trói" về cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực cho phát triển một số trường trọng điểm, ngành đào tạo trọng điểm; dành nguồn lực cho các trường đại học nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

ndt0555-1751282463228605530293.jpg
GS.TS. Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Đại học Phenikaa phát biểu tại cuộc họp.

GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm (Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân) nêu ý kiến về quan điểm "tinh - gọn - mạnh" trong hệ thống giáo dục. Theo đó, các trường phổ thông tiếp tục được đầu tư, xây dựng, cần gần dân hơn, gần học sinh hơn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; bảo đảm tinh gọn hệ thống các trường đại học; đồng thời tập trung nguồn lực để có những trường mạnh, tăng vai trò, quyền hạn của hiệu trưởng...

Về chi ngân sách cho giáo dục, ông Nguyễn Xuân Yêm cho rằng cần huy động nguồn lực của toàn xã hội, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thì mới đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục.

Một số đại biểu đề nghị cần có quan điểm và quy định rõ về tự chủ đại học; đánh giá tổng thể, cải cách hệ thống thi cử, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Một số đại biểu cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có Nghị quyết 29 rất toàn diện, chọn những điểm đột phá, tuy nhiên trong triển khai, thực thi lại còn nhiều hạn chế, chưa đạt được mục tiêu. Do đó mong muốn Nghị quyết của Bộ Chính trị có những quan điểm đột phá, cụ thể, khả thi và được triển khai hiệu quả.

ndt0368-17512824633071075864830.jpg
Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu kỹ thêm nội dung về đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho giáo dục, bên cạnh đầu tư của Nhà nước.

Cụ thể hóa 4 nghị quyết của Bộ Chính trị ở khía cạnh giáo dục

Phát biểu chỉ đạo, nêu rõ trong "bộ tứ trụ cột" (4 nghị quyết đột phá của Bộ Chính trị), có nhiều khía cạnh liên quan đến giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bóc tách, nhấn sâu hơn, đậm nét hơn khía cạnh về giáo dục, như là cụ thể hóa 4 nghị quyết này nhưng là ở khía cạnh giáo dục.

Đáng chú ý, đa số ý kiến phát biểu về giáo dục đại học đều muốn giảm yếu tố quản lý mang tính cứng nhắc và mạnh dạn hơn nữa trong tự chủ, Phó Thủ tướng nhận xét, như việc "quy định thế nào, trao quyền cho hiệu trưởng ra sao, đặc biệt có ý kiến cho rằng cần mang tinh thần doanh nhân vào đổi mới, phát triển giáo dục đại học". Không nên hiểu một cách máy móc tự chủ giáo dục đại học là Nhà nước không làm gì nữa.

Về hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng yêu cầu cần viết sâu thêm, nhấn mạnh về hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo một cách thực chất hơn, "học người ta, hội nhập với người ta về cách làm, về tiêu chí, điều kiện và cái đích cần vươn tới, thay vì hình thức bên ngoài".

Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo và sớm trình Đảng ủy Chính phủ xem xét.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần mang tinh thần doanh nhân vào đổi mới, phát triển giáo dục đại học
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO