Cần nguồn động viên thiết thực cho các dịch giả văn học Nga

Thứ năm, 01/11/2018 07:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vật đổi sao dời và những biến đổi trong đời sống chính trị toàn cầu đã làm cho văn học Nga – dòng văn học từng chiếm lĩnh trái tim của những người yêu văn học, văn hóa Nga trở nên mờ nhạt. Congluan.vn đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Thụy Anh về câu chuyện đọc, và dịch văn học Nga trong đời sống hiện tại.

Báo Công luận
 Dịch giả Nguyễn Thụy Anh bên món quà của người hâm mộ. Ảnh: V.H.

+ PV: Trước đây người ta đọc văn học Nga, nhất là thơ Nga nhiều, bây giờ thì đã ít đi nhiều. Là một dịch giả vẫn thường xuyên dịch thơ Nga, chị thấy thế nào về điều này?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Nói về văn học Nga, hay hẹp hơn là thơ Nga như câu hỏi của anh, thì tôi thấy, người quan tâm vẫn nhiều. Người ta vẫn say mê đọc lại những tác phẩm thơ đã được chuyển ngữ trong mấy thập kỷ qua, vẫn rung động cùng Pushkin, Lermontov, Esenin... Nhưng cũng vì sự nhắc đi nhắc lại các bài thơ cũ này, thì theo tôi, hoá ra, thơ Nga chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam.

Cũng không hẳn người ta không dịch họ. Trên thivien.net, một trang mạng lưu trữ thơ lớn nhất hiện giờ, có 176 nhà thơ Nga. Tuy nhiên, do chất lượng dịch là một phần, phần khác lại do không được giới thiệu, quảng bá đúng mức, thơ Nga trong lòng người đọc Việt Nam có vẻ như vẫn dừng lại ở một số tác giả kinh điển và một số tác phẩm “kinh điển” (theo nghĩa được dịch từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước) chứ chưa được phong phú và sâu như chính dòng chảy sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Nga qua nhiều thời kỳ (thế kỷ vàng, thế kỷ bạc, Xô Viết, hậu Xô Viết, đương đại...).

+ PV: Việc chúng ta ít đọc văn học Nga còn liên quan đến việc hiện nay các đầu sách dịch từ tiếng Nga ít quá thì phải?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Một vài lý do sâu xa khác cần được nhắc tới. Tôi nghĩ là những khó khăn của ngành xuất bản trong kinh doanh buộc những người làm sách phải cân nhắc khi tổ chức dịch, xuất bản tác phẩm nước ngoài, nhất là tác phẩm thơ. Và đội ngũ dịch văn học Nga nói chung, dịch thơ Nga nói riêng đang có sự “đứt gãy kết nối” giữa các thế hệ.

+ PV: Đứt gãy thế hệ? Phải chăng là những người dịch giả tiếng Nga trẻ bây giờ ít như vậy?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Thật ra là không ít. Có nhiều người vẫn dịch nhưng biến nó thành một công việc chuyên nghiệp lại là câu chuyện khác. Gần đây, trong những người trẻ dịch thơ Nga, tôi để ý đến dịch giả Quỳnh Hương, Quốc Hùng. Họ là những người được đào tạo ở Liên Xô và Nga, chắc chắn có cảm nhận ngôn ngữ tốt để có thể dịch thơ Nga một cách chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp với nghĩa là có thể đi sâu vào sáng tác của một vài tác giả để giới thiệu được chân dung đầy đủ về họ chứ không chỉ dịch đây đó vài bài cho vui!

Báo Công luận
 Chị Nguyễn Thụy Anh nổi tiếng với việc dịch thơ Olga Berggoltz.

+ PV: Với cá nhân chị thì sao?Việc đọc và dịch các tác phẩm tiếng Nga bây giờ có gì thú vị không?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Trong một thời gian dài, tôi gắn bó với Olga Berggoltz và đến bây giờ vẫn đọc và viết, dịch thơ bà. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tôi lên kế hoạch đọc và củng cố lại kiến thức văn học của mình để có thể có cơ hội được đến với các nhà thơ khác, đặc biệt là các nhà thơ Nga “thế kỷ bạc”.

Tôi vừa may mắn được NXB Trẻ mời cùng sang dự hội sách quốc tế ở Nga với tư cách một tác giả, đồng thời cũng là người có thể kết nối với các nhà văn Nga. Trở về sau chuyến đi, tôi thấy tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm làm việc. Tôi nghĩ, với sự hỗ trợ của Quỹ quảng bá văn học Nga – Việt dưới sự chỉ đạo của dịch giả Thuý Toàn, chúng tôi sẽ có thể tập hợp được “lực lượng” các dịch giả văn học Nga “thế hệ mới”, nỗ lực hơn trong hoạt động này. Nếu không làm “ngay và luôn” thì ngay cả thế hệ chúng tôi cũng nhanh chóng già đi mà lại làm được quá ít so với thế hệ chú bác.

+ PV: Vậy làm sao để có một cộng đồng dịch giả tiếng Nga chuyên nghiệp?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Tôi cho rằng, người dịch trong thời kỳ này, hơn lúc nào hết cần sự cổ vũ, động viên hợp lý chứ không thể ngồi than “không còn ai dịch”.

Trên thực tế, đội ngũ dịch thuật cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn bằng nhiều cách. Những người yêu thích dịch văn học Nga thế hệ trẻ hơn đôi chút so với các bậc tiền bối, chẳng hạn, từ 55 – 60 tuổi trở xuống, rất nên được tham gia các buổi trao đổi chuyên môn, các chuyên đề về dịch thuật, được tiếp xúc, lắng nghe, tranh luận, phản biện với các dịch giả đi trước như Thuý Toàn, Lê Đức Mẫn, Vũ Thế Khôi, Đoàn Tử Huyến, Phan Hồng Giang..., với các nhà nghiên cứu văn học Nga như Phạm Vĩnh Cư, Đào Tuấn Ảnh, Trần Thị Phương Phương... để có cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn về các vấn đề của văn học Nga kinh điển và hiện đại.

Họ cần được gặp gỡ các nhà văn Nga trong các hoạt động trao đổi văn hoá giữa hai nước, và chính họ cũng có thể hỗ trợ tích cực cho các dịch giả Nga khi chuyển ngữ tác phẩm của nhà văn Việt Nam sang tiếng Nga. Họ cũng cần được tham gia các khoá học ngắn hạn hoặc các chuyến đi ngắn đến những nơi các nhà văn Nga đã sống và làm việc để không khí văn học Nga tạo động lực cho họ, mang lại sự nồng nhiệt trong từng trang dịch. Đặc biệt với việc dịch thơ thì sự nồng nhiệt ấy không thể thiếu.

Tôi cảm thấy, đó là cách làm cần thiết để khuyến khích dịch giả, đặc biệt là những người thực sự tâm huyết, sẵn sàng dành thời gian, tâm lực của mình cho văn học Nga.

Báo Công luận
"Tuần đêm" - Một tác phẩm văn học đương đại do dịch giả Nguyễn Thụy Anh thực hiện.

+ PV: Theo chị thì cách cổ vũ thiết thực nhất cho các dịch giả tiếng Nga bây giờ là gì?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Nhắc lại mới nhớ, đã tròn 8 năm khi tôi... rụt rè đứng lên xin phát biểu trong dịp tổng thống LB Nga bấy giờ là ông Medvedev sang thăm Việt Nam năm 2010, có buổi tiếp xúc với cựu sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường ĐH Liên Xô và LB Nga.

Ngày ấy, tôi đề xuất với ông lập một Quỹ hỗ trợ các dịch giả dịch văn học Nga, những mong văn học Nga được lớp độc giả mới Việt Nam tiếp cận và quan tâm. Ông Medvedev đồng ý ngay và khi quay về Nga, ông lập tức chỉ đạo tiến hành việc này. Cũng chính vì thế mà tôi cảm thấy có đôi chút áp lực về trách nhiệm của mình khi văn học Nga sau 8 năm ấy vẫn chưa thực sự được quảng bá xứng đáng ở Việt Nam, cho dù cũng đã có không ít các tác phẩm được dịch và in ấn.

Dịch, in là một chuyện, đưa được tác phẩm đến với độc giả, cho họ thấy được sự vĩ đại, tuyệt đẹp của một nền văn học, đồng thời cho họ cảm nhận được sự chuyển động khác biệt của nền văn học Nga đương đại – đó là cả một khối lượng công việc khổng lồ mà không chỉ cá nhân các dịch giả có thể làm được.

+ PV: Nhưng như chị nói, để phổ biến rộng rãi hơn các tác phẩm Nga thì không chỉ cần có dịch giả chuyên nghiệp, chúng ta còn cần cả kênh phát hành mạnh nữa...?

- Dịch giả Nguyễn Thụy Anh: Vâng, trong thâm tâm, tôi rất biết ơn các đơn vị làm sách như NXB Phụ nữ, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Công ty truyền thông và văn hoá Nhã Nam, công ty Sputnik, công ty Sao Bắc Media... vẫn tiếp tục tổ chức dịch và phát hành tác phẩm Nga và Xô Viết. Nhưng ngay cả họ cũng rất cần được quan tâm, cổ vũ trong hành trình không đơn giản này.

+ PV: Cảm ơn chị. Xin chúc chị và cộng đồng những dịch giả tiếng Nga sức khỏe và và tình yêu để tiếp tục con đường với tiếng Nga, văn học Nga và cả nước Nga nữa.

Tử Hưng

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa