Cân nhắc về quy định Quỹ Nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội
(CLO) Về đề xuất Quỹ Nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của quỹ nhà ở xã hội.
Ngày 20/5, trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó, có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cơ quan thẩm tra tán thành với việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia; tán thành việc xác định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để bảo đảm rõ ràng về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý một số vấn đề liên quan đến chức năng của Quỹ. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết, “Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, quy định chức năng “đầu tư xây dựng” có thể dẫn đến cách hiểu Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nếu vậy, cần làm rõ Quỹ có đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và luật khác có liên quan hay không để có cơ sở tổ chức thực hiện.
Về đề xuất Quỹ Nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của quỹ nhà ở xã hội. Ủy ban cho rằng phạm vi chức năng của Quỹ sẽ rất rộng vì đối tượng mà Quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính của Quỹ phù hợp hơn, bảo đảm tăng cường xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; đồng thời, thực hiện đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng tiêu chí về thu nhập và nhà ở là được mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu là nhà ở xã hội cho thuê thì chỉ cần thuộc các đối tượng này mà không cần đáp ứng tiêu chí về thu nhập và nhà ở.
Như vậy, quy định về nhà ở xã hội và nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê do Quỹ Nhà ở quốc gia đầu tư xây dựng, tạo lập là có trùng lặp, chồng chéo, khó phân biệt loại hình nhà ở theo đối tượng thụ hưởng. Hơn nữa, với quy định này thì phạm vi chức năng của Quỹ sẽ rất rộng vì đối tượng mà Quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần cân nhắc để bảo đảm tính khả thi của chính sách vì Quỹ do ngân sách nhà nước cấp và một số nguồn thu liên quan đến ngân sách nhà nước, các nguồn khác là hỗ trợ, huy động mà chưa rõ cơ chế...
Nếu mở rộng phạm vi chức năng của Quỹ thì cần xây dựng cơ chế tài chính của Quỹ phù hợp hơn, tăng cường xã hội hóa, thực hiện đúng Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này là cần nghiên cứu có cơ chế để huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng nội dung này vì một số lý do.
Thứ nhất, đây là nội dung có tác động lớn đến nguồn lực nhà nước nhưng chưa có đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, ý kiến của Bộ Tài chính khi góp ý về dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, nội dung này cũng chưa được báo cáo và có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Thứ hai, dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ thời điểm thực hiện việc hoàn trả nên có thể dẫn đến tùy nghi trong thực hiện, có nguy cơ gây ra sơ hở, thất thoát, tiêu cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cho biết, một số ý kiến đồng ý với chính sách này để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất và các nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, song, cho rằng cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đồng thời cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn.