Điều tra

Cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng Clo khí trong nuôi trồng thủy sản

Nguyễn Duy Trung 15/07/2025 07:56

(CLO) Clo khí là một loại hóa chất nguy hiểm, thuộc diện quản lý khắt khe của các ban ngành nhưng lại đang được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản. Người dân vì ham rẻ nên vẫn sử dụng, còn cơ quan chức năng lại cho rằng, khâu quản lý vẫn còn...khoảng trống.

Bảo quản Clo khí không có biện pháp bảo hộ, làm tăng nguy cơ ngộ độc và cháy nổ

Như báo Nhà báo và Công luận đã thông tin, là một loại khí độc nguy hiểm, Clo khí ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các trại nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt đối với người nuôi tôm ở miền Tây Nam Bộ.

Một thực trạng đang diễn ra, đơn vị kinh doanh có dấu hiệu chạy theo lợi nhuận “quên đi” những quy định về lưu trữ, kinh doanh, huấn luyện an toàn cho người dân. Còn nuôi trồng thuỷ sản, do sử dụng hiệu quả cộng với giá thành rẻ nên lơ là và chủ quan...

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc Hoàng – Văn phòng Luật sư Long Tâm đánh giá: “Pháp luật Việt Nam không xem Clo (Chlorine) là một hóa chất thông thường. Nó được quản lý như một mặt hàng nguy hiểm, đòi hỏi các điều kiện nghiêm ngặt. Về Kinh doanh, chỉ những doanh nghiệp được Sở Công Thương cấp phép đặc biệt mới được bán Clo. Các cửa hàng nhỏ lẻ, không có giấy phép mà tự ý bán là hoàn toàn trái luật. Về Vận chuyển, Clo được xếp vào nhóm "khí độc hại". Việc vận chuyển bắt buộc phải có giấy phép, phải dùng xe chuyên dụng và người lái được đào tạo chuyên nghiệp, tuyệt đối không được chở bằng xe máy”.

Cũng theo Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho rằng, “Pháp luật đã có sẵn các chế tài xử phạt rất nghiêm khắc để răn đe, quy định tại Nghị định 71/2019/NĐ-CP (về hóa chất) và Nghị định 45/2022/NĐ-CP (về môi trường). Cụ thể, Hành vi kinh doanh Chlorine không phép có thể bị phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Hành vi vận chuyển trái phép bằng xe máy có thể bị phạt đến 20.000.000 đồng; Nếu gây ra sự cố rò rỉ ra môi trường, mức phạt có thể lên đến 1.000.000.000 đồng, kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả nặng nề.`

Bình hoá chất Clo có thông tin kiểm định không rõ ràng (không rõ đơn vị kiểm định) được ghi sơ sài bằng bút xoá mà trại trang trại tôm mà Q. đưa nhóm PV xuống tham quan.
Dễ dàng để mua bán và sử dụng khí Clo đang tạo ra một "thị trường trôi nổi" đầy nguy hiểm.

Luật sư Hoàng cho biết thêm, dù việc quản lý loại hóa chất nguy hiểm này là “không thiếu luật” nhưng bất chấp các quy định nghiêm ngặt, những hành vi vi phạm vẫn diễn ra hàng ngày, tạo nên một "thị trường trôi nổi" đầy nguy hiểm. Người dân dễ dàng mua Clo tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp không có giấy phép. Hành vi vận chuyển bình khí Clo bằng xe máy diễn ra rất phổ biến, đây là hành vi vi phạm pháp luật giao thông và hóa chất nghiêm trọng. Người dân thường lưu trữ bình khí ngay trong nhà, gần khu vực sinh hoạt, không có biện pháp bảo hộ, làm tăng nguy cơ ngộ độc và cháy nổ - Luật sư Hoàng khuyến cáo.

Công tác quản lý còn “khoảng trống”

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Kiểm tra an toàn và Môi trường (Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cũ) cho biết, khâu quản lý hóa chất nói chung và quản lý kinh doanh, sử dụng Clo trong nuôi trồng thủy sản cũng đang bộc lộ những “khoảng trống”. Ông Cường thông tin rằng, do các hộ sử dụng hóa chất này lại là chủ thể thuộc ngành nông nghiệp nên có khó khăn trong công tác kiểm tra. Giống như vấn đề an toàn thực phẩm, có đến 3,4 đầu mối đơn vị quản lý: “Đúng là việc sử dụng hóa chất như Clo khí tiềm tàng nhiều nguy hiểm tuy nhiên công tác kiểm tra chủ yếu hậu kiểm là chính, qua công tác kiểm tra có nhiều cái họ (đơn vị, cá nhân có hoạt động hóa chất: kinh doanh, lưu trữ, sử dụng) chưa chấp hành, có thể họ không biết quy định hoặc nhắc nhở rồi nhưng vẫn không làm. Chúng tôi cũng ban hành nhiều văn bản về việc này và có kiểm tra nhưng việc kiểm tra chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý”.

Ông Cường khẳng định rằng, việc người dân sử dụng khí Clo trong nuôi trồng thủy sản là đã có “hoạt động hóa chất”, việc lưu trữ và sử dụng loại khí này có quy định rõ ràng tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ, trong đó Clo là hóa chất thuộc danh mục phụ lục IV là loại hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Chủ thể hoạt động hóa chất như nông dân sử dụng khí Clo trong nuôi trồng thủy sản cần phải thực hiện theo Điều 31 và 32 của Nghị định này, đó là Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất và quy định về Đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

“Trong năm 2024, chúng tôi có đi kiểm tra về cơ bản các hộ kinh doanh đáp ứng được yêu cầu, nhưng không đáp ứng được việc huấn luyện an toàn định kì theo đúng quy định và việc này thường xuyên vi phạm. Có thể đặc thù ngành nghề nên họ cứ làm tới nên mới dẫn tới thực trạng như em (PV) thấy. Tôi nghĩ những phản ánh đấy còn chưa hết đâu, thậm chí còn hơn” – Ông Cường nói.

Vị Trưởng phòng cho biết thêm rằng, Sở Công Thương Bạc Liêu (cũ) cũng đang thực hiện soạn văn bản hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành mình quản lý yêu cầu tiếp tục duy trì và tăng cường công tác quản lý tuyên truyền và kiểm tra để các chủ thể này thực hiện đúng quy định. Ngoài ra phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân (chủ yếu là hộ kinh doanh) phục vụ, xử lý môi trường cho ngành nuôi trồng thủy sản. Kết nối họ với các tổ chức huấn luyện an toàn có năng lực để thực hiện huấn luyện an toàn, đảm bảo việc kinh doanh và sử dụng thực hiện đúng theo quy định.

SCT ca mau
Sở Công thương tỉnh Cà Mau.

Về phía Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp được Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có 03 cơ sở kinh doanh Chlorine (Clo)....Việc kinh doanh, lắp đặt các sản phẩm xử lý nước Clo khí trong dân không thuộc ngành Công Thương quản lý. Mà ngành Công Thương quản lý các hóa chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng. Việc kinh doanh, lắp đặt các sản phẩm Clo khí xử lý nước ao nuôi trong dân là hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm…thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quản lý được quy định Luật Hóa chất!

Tuy nhiên, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cũng khẳng định rằng, sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát hóa chất, kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất sử dụng sai mục đích. Trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất công nghiệp và hóa chất công nghiệp thuộc lĩnh vực ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát các cơ sở hoạt động hóa chất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa chất; kịp thời trao đổi thông tin với cơ quan chức năng để có biện pháp phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm khi nhận được nguồn tin, biểu hiện sai phạm trong hoạt động hợp pháp liên quan đến hóa chất, tiền chất công nghiệp và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, an toàn hóa chất và các quy định khác có liên quan theo Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 05/11/2024 của Bộ Trưởng Bộ Công thương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng Clo khí trong nuôi trồng thủy sản
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO