Cần quy định cụ thể về tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra cấp Tổng cục, Cục
(CLO) Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định cụ thể về tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra cấp Tổng cục, Cục vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của BCH TƯ khóa XII.
Thanh tra cấp Tổng cục, Cục cần bảo đảm không chồng chéo nhiệm vụ với Thanh tra Bộ
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 13/6, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng, về thành lập thanh tra cấp Tổng cục, Cục cần phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với Thanh tra Bộ, không dàn đều ở tất cả các Cục, Tổng cục.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tham gia thảo luận.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo quy định cụ thể về tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra cấp Tổng cục, Cục vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, vừa đảm bảo tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
"Các Tổng cục, Cục, Bộ hiện đang được giao nhiệm vụ, chức năng thanh tra chuyên ngành cần phải rà soát lại, cơ quan nào thật sự cần thiết và có khả năng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì mới được thành lập cơ quan thanh tra. Qua đó, góp phần tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra như quan điểm xây dựng dự luật đã đưa ra", đại biểu Trần Quốc Quân nêu ý kiến.
Bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật Thanh tra là phải tổ chức Thanh tra tổng cục và cục, nhằm thể hiện đầy đủ, chính xác yêu cầu thực tế về việc tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số tổng cục, cục thuộc bộ, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18; đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, quan điểm của ông là chỉ tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục có phạm vi, đối tượng quản lý lớn và có tổ chức theo ngành dọc ở các địa phương như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Cùng với đó, việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các cục cần có sự cân nhắc, xem xét kỹ, do tất cả các bộ đều có cơ quan thanh tra, việc tổ chức thêm bộ phận thanh tra riêng của các Cục là không thực sự cần thiết, dễ dẫn đến cát cứ, chồng chéo, lãng phí.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị cần có quy định phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, nếu đã có tổ chức cơ quan Thanh tra Tổng cục thì sẽ thu hẹp phạm vi thanh tra của Thanh tra Bộ. Theo đó, lĩnh vực nào, địa bàn nào mà Thanh tra Tổng cục thực hiện thì Thanh tra Bộ thôi không thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.
Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và toàn diện
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không phải là vấn đề hoàn toàn mới mà là kế thừa hợp lý quy định của Luật Thanh tra năm 2004. "Đây là nội dung quan trọng của dự thảo luật tuần này, có ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra, đặc biệt là hoạt động thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và toàn diện", ông Thắng nói.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị: Thứ nhất, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về tác động, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hiện nay tại các Tổng cục, Cục trực thuộc bộ.
Thứ hai, để đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đại biểu đề nghị quy định ngay trong luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục mà không giữ như dự thảo luật hiện nay là giao Chính phủ quyết định thành lập. Đặc biệt các tiêu chí nguyên tắc thành lập phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn quản lý thực sự cần thiết mà không dàn đều, dàn trải ở tất cả các Tổng cục, Cục.
Thứ ba, đồng thời với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục trực thuộc bộ thì cần thiết kế quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Thanh tra của Bộ để vừa không chồng chéo, trùng lặp, vừa không đùn đẩy trách nhiệm và không né tránh trách nhiệm. "Đề nghị quy định theo hướng trường hợp Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực Tổng cục, Cục đó phụ trách. Thanh tra Bộ chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với ngành, lĩnh vực mà tổng cục, cục thuộc bộ không có cơ quan thanh tra chuyên ngành", ông Thắng đề nghị.