Cần quy định rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi) về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất
(CLO) Ngày 30/8/2023, hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cần quy định ngay trong Luật về hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác
Quan tâm đến quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng: Cần quy định rõ trong luật, thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo tương thích với các luật khác và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Lò Thị Luyến nêu thực tế những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện thẩm quyền chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai hiện hành quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha. Luật Lâm nghiệp quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới… dưới 20ha. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đóng góp ý kiến cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về các quy định chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa, Luật Đất đai hiện hành đã quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc chuyển đổi đất lúa và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định hạn mức, giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, theo Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm ABC lại được xác định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa; chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị ngày 30/8.
Như vậy, theo dự thảo trình, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân, trong khi đó chưa có luật nào quy định rõ ràng. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn chồng chất cho địa phương. Vì vậy, Đại biểu đề nghị biên tập, sửa đổi Điều 122 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời, với thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật để tương thích với các luật khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.
Tán thành việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp
Cùng quan tâm tới dự án Luật này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) bày tỏ băn khoăn về nội dung quy định chính sách mới liên quan đến tập trung tích tụ đất đai để phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) phát biểu tại hội trường.
Đi vào góp ý cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy cho biết, tại Khoản 6 Điều 45 của dự thảo Luật quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện các nội dung: địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản này.

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV.
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Huy, việc quy định như vậy là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần thúc đẩy việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Tuy nhiên, Đại biểu cho biết, đây là nội dung lớn, nhạy cảm nên cần phải được đánh giá thật kỹ những tác động của chính sách, quy định cụ thể nhằm bảo đảm việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và có kèm theo điều kiện quy định rất cụ thể, tránh việc lợi dụng chính sách thu gom đất trồng lúa nhằm phục vụ mục tiêu đầu cơ nhưng không sản xuất nông nghiệp, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.