Cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia
(CLO) Góp ý cho dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ nhằm quản lý tốt hơn vốn nhà nước, mà còn phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Sáng nay (13/5), Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 với phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
.png)
Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) nêu quan điểm, vốn của doanh nghiệp nhà nước cũng chính là tiền của người dân đóng góp thông qua ngân sách. Các cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không trực tiếp bỏ vốn, vì vậy trong điều kiện kinh tế thị trường, dễ phát sinh tình trạng thất thoát, lãng phí.
Do đó, theo đại biểu, Luật cần nhìn nhận một cách khách quan và công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. “Những gì doanh nghiệp nhà nước làm được thì doanh nghiệp tư nhân cũng có thể làm được, thậm chí làm hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, có nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, báo lỗ kéo dài. Nhưng khi cho phép khu vực tư nhân tham gia, thì không chỉ hoạt động có lãi mà còn đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước”, ông Thanh nêu.
Dẫn số liệu khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 47% GDP của cả nước và đã thể hiện vai trò ngày càng rõ nét trong việc góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong các tình huống thiên tai, lũ lụt, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề xuất: Dự thảo luật cần bổ sung quy định khẳng định doanh nghiệp nhà nước không nên được duy trì vị thế độc quyền, trừ những lĩnh vực thật sự cần thiết gắn với vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước.
Nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ nhằm quản lý tốt hơn vốn nhà nước, mà còn phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia, đại biểu thẳng thắn nêu: “Hiện vẫn còn một số ngành như than, điện… duy trì cơ chế độc quyền dù hoạt động kém hiệu quả, không khuyến khích khu vực tư nhân tham gia”.