Cần Thơ: Vườn cò Bằng Lăng cung cấp cò cho quán nhậu?

23/07/2015 14:12

(Congluan.vn) - Nhiều người bạn Hà Nội, TP.Vinh, TP.HCM… mỗi lần đến Cần Thơ hầu hết đều mong muốn được một lần tham quan chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng... Đã thành thương hiệu du lịch, thế nhưng mỗi lần trở lại vườn cò lại mang về một tâm trạng bất an.

(Congluan.vn) - Nhiều người bạn Hà Nội, TP.Vinh, TP.HCM… mỗi lần đến Cần Thơ hầu hết đều mong muốn được một lần tham quan chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng... Đã thành thương hiệu du lịch, thế nhưng mỗi lần trở lại vườn cò lại mang về một tâm trạng bất an.

[caption id="" align="aligncenter" width="3264"] Một chú cò con xấu số tập bay rơi xuống mương[/caption]

Vườn cò Bằng Lăng cách TP.Cần Thơ khoảng 60km, đi theo QL 91 đến huyện Thốt Nốt qua khỏi cầu Bằng Lăng là đến nơi. Nếu không đi bằng ghe, xe khách có thể tản bộ giữa hai hàng tre xanh thẳm rợp bóng, đầy không khí miền quê thanh bình và yên ả của miệt vườn sông nước đồng bằng khoảng 2km cũng đến nơi.

Ở đây có rất nhiều loại cò như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150g. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Đông nhất là loài cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen, mỗi con nặng chừng 400 đến 500gr, chiếm khoảng 80%.

Chủ nhân của khu vườn độc đáo này là một nông dân Nam Bộ chính hiệu, ông Nguyễn Ngọc Thuyền còn gọi là ông Bảy cò. Gặp chúng tôi ông Bảy Cò cho biết: "Khoảng tháng 1/1983, bỗng dưng một đàn cò ma, loại cò nhỏ, mình đen, cánh màu xám trắng tiệp với màu lá cây đông tới hàng trăm con bay về đậu kín một góc vườn. Ít lâu sau chúng đột ngột bỏ đi cả đàn, phải đến gần một năm sau mới thấy chúng quay trở lại và lần này chúng kéo theo đám bạn mới tính ra đến gần chục loại cò với đủ các kích cỡ và số lượng ước tới cả chục nghìn con. Lần này chúng định cư luôn tại đây và sinh sôi nảy nở ngày một đông hơn. Cò đi kiếm ăn theo từng cặp, nhưng thường là đi theo đàn khoảng 100 đến 200 con. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, ông chủ vườn Bảy Cò phải cho ăn thêm hàng ngày. Khu vườn nay rộng hơn 15 công và tất cả những bụi tre, ô môi trong vườn từ lâu đã được xem là nhà của chúng".

Phần lớn các loài cò trên tập trung đông đúc về vườn vào mùa sinh sản từ tháng 8 đến tháng Giêng âm lịch hằng năm, riêng cò ma chúng tập chung về vườn làm tổ và đẻ trứng từ tháng hai đến tháng tư âm lịch.

Thời gian tham quan thích hợp nhất là lúc 6h-7h sáng từng đàn cò rời khỏi những ngọn cây bay trắng cả một vùng tỏa đi khắp nơi và đến chiều khoảng 17h-18h chúng lại bay về tổ làm xáo động cả khu vườn.

Hai năm nay, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, con đường vào vườn cò Bằng Lăng đã được mở rộng, đổ bê tông phẳng lỳ, xe ô tô vào đến sân vườn, không còn phải cuốc bộ hay đi xe ôm như ngày trước nữa. Vì vậy khách tham quan trong và ngoài nước cũng đến nhiều hơn.

Chúng tôi đến vườn cò vào một ngày đầu tuần, vào mua vé và uống ly nước mát ở quán nhậu A.T đối diện vườn cò. Quán có khoảng gần 30 bàn nhậu, ngày lễ tết hoặc thứ bảy, chủ nhật lúc nào cũng đông kín khách. Cô tiếp viên mau mắn lau bàn và đưa ra cuốn thực đơn có hơn chục món ăn toàn là …cò. Cò nướng, cò rô ti, cò nấu cháo, cò xào xả ớt… nhìn hoa cả mắt. Cô tiếp viên cho hay, quán này là của anh Ba Đỉnh, con trai thứ 3 của ông Bảy Cò làm chủ quán. Những ngày đắt khách quán A.T bán được trên 100 con cò các loại, đó là chưa tính số cò làm sẵn khách mua mang về nhà chế biến. Giá mỗi con cò tại bàn nhậu là 80 ngàn đồng/con, còn mua mang về 55 ngàn đồng/con.[caption id="" align="aligncenter" width="2448"] Thực đơn toàn "món độc" của quán A.T[/caption]

Lấy cớ tham quan trước rồi nhậu sau, mua vé vào cổng vườn cò. Bước qua cây cầu sắt vào vườn cò là một cái tháp bằng xi măng cao hơn 4m cho khách vãng cảnh. Phía dưới chân tháp cũng là một quán nhậu do chị Hai Linh, con gái thứ 2 của ông Bảy Cò làm chủ và tất nhiên, món nhậu chủ đạo vẫn là…cò. Bước vào bếp, hàng chục con cò đã làm sẵn để trong những chiếc thau nhựa sẵn sàng phục vụ khách nhậu.

[caption id="" align="aligncenter" width="2809"] Chú cò con còn sống đang nằm chờ lên bàn ăn[/caption][caption id="" align="aligncenter" width="3026"] Một số được làm sạch chờ thực khách[/caption]

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Bảy Cò năm nay đã 72 tuổi nói tâm sự: "Ngày trước hồi còn sức khỏe, mỗi năm tui còn sửa sang lại “nhà cửa” cho lũ cò ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả thêm cá, ốc, trồng thêm cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu. Nhưng mấy năm gần đây vì tuổi cao sức yếu nên không làm được nữa, đó cũng là lý do cò cũng vơi đi nhiều".

Theo chỉ tay bác Bảy Cò, đa phần kênh mương trong vườn đã cạn nước do bị bồi lấp, tôm, cá, cua, ốc còn rất ít. Những chú cò con bị mưa lùa gió thổi rớt xuống đất không còn được “cứu hộ” như ngày xưa bác Bảy thường đưa thẳng ra bàn nhậu. Mỗi ngày, 2 quán nhậu ở vườn cò tiêu thụ khoảng 200 con, đó là chưa kể số cò mà người dân xung quanh giăng lưới, đặt bẫy bỏ mối cho các quán nhậu khác trên địa bàn.

[caption id="" align="aligncenter" width="3264"] Món cò nướng trên bàn ăn[/caption]

Chiều xuống, nhìn những cánh cò chấp chới về tổ ngày một thưa dần, lòng du khách trĩu nặng một nỗi buồn khó định. Mỗi năm, cò chỉ có 4 tháng sinh đẻ, vậy mà hằng ngày bị săn bắt vô tội vạ với số lượng lớn như thế, liệu vườn cò Bằng Lăng sẽ còn tồn tại bao lâu nữa?

Vẫn biết lộc trời cho ai nấy hưởng nhưng với một địa điểm du lịch độc đáo như vậy, cần lắm sự bảo tồn và chăm sóc đàn cò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đừng để sau này thế hệ con cháu chúng ta mỗi khi đi ngang khu vườn độc đáo này lại nuối tiếc: "Ở đây, ngày xưa từng có một vườn cò…”.

Hồng Ân

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần Thơ: Vườn cò Bằng Lăng cung cấp cò cho quán nhậu?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO