Lật lại vụ TNLĐ xảy ra ngày 19/9/2016 tại Công trường khai thác 3, Công ty Than Khe Chàm làm 14 người bị thương, trong đó một người bị thương nặng (dập phổi, chấn thương sọ não); ba người bị chấn thương lồng ngực, tay và vùng mặt (tai nạn thương tích từ 39 – 78%); 10 người còn lại bị thương nhẹ (tai nạn thương tích từ 1 – 25%). Vụ tai nạn tuy không gây chết người nhưng đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tinh thần, vật chất cho cả nạn nhân, gia đình, Công ty Than Khe Chàm và cả xã hội; đặc biệt là gây hoang mang trong toàn thể công nhân thợ lò. Mặc dù tai nạn đã đi qua hơn 1 năm nhưng dư âm hãi hùng vẫn còn đó, một người vừa mới được ra viện (sau đúng 1 năm điều trị); một người vẫn còn đang điều trị trong bệnh viện phải có hai người chăm sóc phụ giúp...
Biên bản điều tra TNLĐ của Đoàn Điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh (số 414/2016/BBĐT) thực hiện ngày 08/12/2016 đã có kết luận về nguyên nhân gây ra vụ TNLĐ này là do lỗi từ cả hai phía (người lao động và người sử dụng lao động).
Cán bộ chỉ huy nổ mìn không đi sâu đi sát, không trực tiếp chỉ đạo nổ mìn, không cương quyết chỉ đạo đuổi người ra khỏi vùng nguy hiểm do nổ mìn. Công tác kiểm tra của cán bộ công trường và phòng ban Công ty chưa sâu sát, hiệu quả; chưa phát hiện được tồn tại trong quá trình nổ mìn tại lò chợ 12.8 để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Việc phân công nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm chưa chặt chẽ.
Nhóm cán bộ công nhân nổ mìn đã thực hiện không đúng quy định về công tác nổ mìn: tiến hành nạp mìn khi chưa đuổi hết người ra khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện nạp mìn, đấu nối mạng nổ sai quy định; vị trí ngồi khởi nổ không đảm bảo an toàn; công nhân chưa nhận thức đúng, không di chuyển đến vị trí an toàn trước khi nổ mìn...
Được biết sau vụ tai nạn Công ty cũng đã tập trung mọi nguồn lực cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu và điều trị tích cực để giảm thiểu thiệt hại về tinh thần, sức khỏe cho các nạn nhân. Công ty cũng đã thực hiện tốt mọi chế độ chính sách và hỗ trợ “mạnh tay” những người bị nạn. Ngoài việc thăm hỏi động viên bằng tinh thần vật chất các nạn nhân và gia đình, những công nhân bị tai nạn nặng không thể tự chăm sóc bản thân (như Vũ Văn Tài, Vũ Văn Nghiên), Công ty đã bố trí từ 1 đến 2 người (có trả lương) đến túc trực chăm sóc 24/24.
Anh Vũ Văn Tài (cùng vợ), người bị TNLĐ nặng nhất hôm 19/9/2016, đến nay vẫn đang điều trị trong bệnh viện
Tuy nhiên điều mà dư luận xã hội và người lao động quan tâm hiện nay là sau tai nạn, Công ty Than Khe Chàm đã xử lý như thế nào để giáo dục cán bộ, CNVCLĐ và ngăn chặn TNLĐ tương tự xảy ra?
Ông Vũ Quang Tuyến, Phó Giám đốc Công ty cho chúng tôi biết, sau tai nạn, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh để tìm ra nguyên nhân gây tai nạn. Công ty cũng đã họp bàn biện pháp khắc phục những tồn tại và nghiêm khắc kiểm điểm, xét kỷ luật từng cá nhân, tập thể để xảy ra TNLĐ. Theo đó, đã sa thải 03 cá nhân liên quan (gồm Phó Quản đốc, Lò trưởng và thợ nổ mìn chính); cách chức Quản đốc và Phó Quản đốc số 1 Công trường khai thác 3; 06 công nhân khác bị khiển trách và buộc kéo dài thời hạn nâng lương. Riêng 02 công nhân bị thương nặng (là Vũ Văn Tài và Vũ Văn Nghiên), chờ bình phục hẳn sẽ hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định.
Tuy nhiên với hình thức kỷ luật như vậy liệu đã thỏa đáng chưa khi mà nguyên nhân đã được Đoàn Điều tra TNLĐ chỉ ra rất rõ ràng là do: “Lỗi của cả người lao động và người sử dụng lao động” hay “Công tác kiểm tra của cán bộ công trường và phòng ban Công ty chưa sâu sát, hiệu quả…”. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo các phòng ban liên quan và cao hơn là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (người sử dụng lao động) để ở chỗ nào mà kỷ luật như đã “quên” không xét đến?
Liệu đó có phải là “lỗ hổng” trong công tác An toàn tại công ty hay không thì chưa rõ, chỉ biết là sau đó chưa đầy 8 tháng (19/5/2017) cũng tại Công trường đào lò 3 tiếp tục xảy ra TNLĐ nghiêm trọng. Nạn nhân là anh anh Vũ Văn Hùng Phó Quản đốc bị xe goòng thả xuống gây tử vong, lỗi có phải do “bất cẩn” không(!)?
Thiết nghĩ không ai muốn để xảy ra tai nạn, cũng không ai muốn “bàn cãi nhiều” về TNLĐ, nhưng cần biết rằng chính những sự mổ sẻ, phân tích đánh giá khách quan sau mỗi vụ TNLĐ là để tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục tồn tại một cách tối ưu. Việc xem xét kỷ luật các cá nhân và tập thể liên quan là để giáo dục ý thức, ngăn chặn nguy cơ tai nạn và chỉ ra người chịu trách nhiệm trước những vi phạm của mình, tránh những tai nạn tương tự về sau. Bởi vậy cần có những đánh giá hết sức khách quan, chính xác và xử lý đúng người, đúng vi phạm, kiên quyết không để lọt bất kỳ người nào. Có như vậy mới góp phần đẩy lùi được mọi TNLĐ, đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình.
Nguyễn Quân