Cảng, bến thủy nội địa buộc phải dừng hoạt động khi hết hạn sử dụng hoặc mất an toàn

21/02/2021 13:55

(CLO) Theo Nghị định số 08/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa vừa ban hành, có hiệu lực từ 15/3 tới, các cảng, bến thủy nội địa buộc phải dừng hoạt động khi hết hạn sử dụng hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã hết thời hạn hoạt động nếu không được gia hạn thì phải tháo dỡ công trình, thiết bị có ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong thời gian 60 ngày. Ảnh minh họa

Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã hết thời hạn hoạt động nếu không được gia hạn thì phải tháo dỡ công trình, thiết bị có ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong thời gian 60 ngày. Ảnh minh họa

Theo đó cảng, bến thủy nội địa phải tạm dừng hoạt động trong các trường hợp công trình hết thời hạn sử dụng. Công trình gặp sự cố có nguy cơ mất an toàn công trình, an toàn của người, phương tiện; ảnh hưởng đến an toàn công trình liền kề, môi trường và cộng đồng.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định công bố đóng cảng, bến thủy nội địa có hiệu lực; chủ cảng, bến thủy nội địa phải thanh thải vật chướng ngại trong khu vực vùng nước của cảng, bến thủy nội địa (nếu có). Tháo dỡ báo hiệu đường thủy nội địa của cảng, bến thủy nội địa.

Chi phí để thanh thải vật chướng ngại trong khu vực vùng nước của cảng, bến thủy nội địa (nếu có), tháo dỡ báo hiệu đường thủy nội địa của cảng, bến thủy nội địa do chủ cảng, bến chi trả. Trừ trường hợp đóng cảng, bến thủy nội địa vì lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hiện toàn quốc có gần 300 cảng thủy (gồm 218 cảng hàng hóa, 12 cảng hành khách và 63 cảng chuyên dùng), trong đó có 27 cảng trên đường thủy địa phương. Tổng số bến thủy là gần 8.200 bến với hơn 20% không phép, quá hạn giấy phép hoạt động (hơn 1.700 bến).

Đặc biệt cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định công bố nếu không được gia hạn hoạt động thì phải tháo dỡ công trình, thiết bị có ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong thời gian 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn hoạt động.

Cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tại khu vực tổ chức giám sát việc tháo dỡ.

Các cảng, bến thủy, khu neo đậu phải đặt tên bằng tiếng Việt (và có thể kèm tiếng Anh) theo mẫu bắt đầu bằng cụm từ “Cảng thủy nội địa”, “Bến thủy nội địa” tiếp theo là tên riêng.

Khi hết thời hạn hoạt động, nếu cảng, bến có nhu cầu tiếp tục khai thác và được cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời hạn sử dụng đất thì được xem xét gia hạn hoạt động. Trong hồ sơ đề nghị gia hạn hoạt động có giấy tờ liên quan đến việc cảng, bến được gia hạn thời hạn sử dụng đất.

Bên cạnh đó, chủ cảng hoặc người quản lý khai thác cảng phải chịu trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng công trình.

Trường hợp công trình cảng hết thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì phải thực hiện kiểm định chất lượng công trình, thực hiện cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn, công năng sử dụng và đề nghị công bố hoạt động theo quy định tại Nghị định số 08/2021.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cảng, bến thủy nội địa buộc phải dừng hoạt động khi hết hạn sử dụng hoặc mất an toàn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO