Căng thẳng EU và Hungary: Khi tiếng nói phản biện trở thành cái gai nội khối
(CLO) Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét khả năng tiếp tục đình chỉ quyền bỏ phiếu của Hungary trong Hội đồng EU, một động thái chưa từng có tiền lệ đối với một quốc gia thành viên.
Kế hoạch của EU được đưa ra với lý do chính là lập trường cứng rắn và thường xuyên phản đối của Thủ tướng Viktor Orban trước các chính sách chung của khối, đặc biệt là liên quan đến Ukraine.
Quan hệ Hungary - Ukraine: Điểm nóng giữa lòng EU
Căng thẳng giữa Hungary và Ukraine đã vượt khỏi giới hạn ngoại giao thông thường, khi cả hai quốc gia liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao và cáo buộc lẫn nhau liên quan đến hoạt động tình báo.
Ngày 9/5, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyên bố bắt giữ hai cá nhân được cho là làm việc cho tình báo quân sự Hungary tại vùng Transcarpathia, nơi sinh sống của cộng đồng người Hungary thiểu số. Đáp lại, Budapest trục xuất hai nhân viên ngoại giao Ukraine, kéo theo động thái tương tự từ Kiev.

Sự leo thang nhanh chóng cho thấy mối quan hệ Hungary-Ukraine đã chạm ngưỡng đối đầu. Budapest cáo buộc Kiev cố tình đạo diễn vụ việc để bôi nhọ hình ảnh Hungary trong mắt EU, trong bối cảnh khối này đang thảo luận nghiêm túc về việc kết nạp Ukraine làm thành viên.
Vụ bê bối gián điệp không chỉ là vấn đề song phương, mà có thể là phép thử cho sự đoàn kết trong EU. Ukraine, ứng viên gia nhập EU, đang cố gắng chứng minh mình là nạn nhân của sự can thiệp từ một quốc gia thành viên; trong khi đó, Hungary luôn thể hiện lập trường dè dặt với việc mở rộng EU và các khoản hỗ trợ cho Kiev. Nếu chứng minh được Budapest “thiếu thiện chí”, Kiev có thể củng cố lập trường trong các cuộc đàm phán với Brussels.
Mâu thuẫn nội khối hay xung đột giá trị?
Ngày 27/5 vừa rồi, Hội đồng châu Âu đã tổ chức phiên điều trần thứ tám về Hungary, trong khuôn khổ Điều 7 của Hiệp ước EU, một điều khoản nghiêm khắc, cho phép tước quyền biểu quyết của một quốc gia thành viên nếu bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng các giá trị cơ bản của khối. Văn bản liên quan đã được công bố chính thức ngày 22/5.

Điều 7 thường được ví như “vũ khí hạt nhân” về mặt pháp lý trong EU, bởi nó cho phép đình chỉ quyền của một thành viên nếu có “mối đe dọa rõ ràng” đến các nguyên tắc nền tảng như "pháp quyền, dân chủ, nhân quyền". Trong trường hợp của Hungary, các cáo buộc chủ yếu xoay quanh việc làm suy yếu độc lập tư pháp, hạn chế tự do báo chí, và đặc biệt là việc phủ quyết các chính sách đối ngoại, bao gồm cả hỗ trợ Ukraine.
Hungary lâu nay đi theo con đường riêng: chống nhập cư, phản đối trừng phạt Nga, từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine, và theo đuổi chính sách đối ngoại mang tính dân tộc chủ nghĩa. Với nhiều quốc gia EU, đặc biệt là nhóm Bắc và Tây Âu, cách tiếp cận này không còn là “đa dạng quan điểm” mà là “phá vỡ đồng thuận”, làm suy yếu vị thế chiến lược của khối trong thời điểm nhạy cảm.
Giới phân tích cho rằng, nếu tước quyền bỏ phiếu của Hungary, EU có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm, nơi bất đồng chính trị bị đối xử như vi phạm giá trị. Tuy nhiên, nếu không hành động, nguy cơ rạn nứt và tê liệt thể chế có thể còn lớn hơn.
Cuộc đối đầu về nguyên tắc, lợi ích và quyền lực
Mối quan hệ giữa Hungary và phần còn lại của EU đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc, với những xung đột liên tục trên cả ba mặt trận: chính sách đối ngoại, an ninh năng lượng, và hệ giá trị cốt lõi của khối. Thủ tướng Viktor Orbán ngày càng trở thành tiếng nói đối lập trong nội bộ EU, và điều đó đang đẩy Budapest đến bờ vực bị tước quyền bỏ phiếu.
Vấn đề hỗ trợ Ukraine được cho là “điểm nổ” lớn nhất. Hungary kiên quyết phản đối việc EU tài trợ quân sự cho Ukraine, coi đây là chính sách mạo hiểm và thiếu kiểm soát. Theo Thủ tướng Orban lập luận rằng: Ukraine là một quốc gia chính trị bất ổn, nên việc xây dựng lực lượng vũ trang khổng lồ tại đây có thể tạo ra mối đe dọa tiềm tàng cho chính châu Âu. Quân đội Ukraine không được đảm bảo sẽ “thân thiện” với EU, đặc biệt trong kịch bản chính trị thay đổi đột ngột ở Kyiv. Ngoài ra, Hungary từ chối đóng góp tài chính, cho rằng nên đầu tư vào an ninh quốc gia thay vì tài trợ dài hạn cho một “cuộc chiến không hồi kết”.
Về năng lượng, Hungary phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, và phản đối các chính sách năng lượng của EU nếu chúng gây cản trở nguồn cung này. Ngày 24/5, Thủ tướng Orban gọi các nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn dòng khí đốt Nga là “hành vi tống tiền”, đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân Hungary. Ông cảnh báo rằng nếu Ukraine ngăn chặn trung chuyển khí đốt, hóa đơn tiền điện sẽ tăng gấp đôi, gây bất ổn xã hội.
Một động thái gây tranh cãi nữa là việc Hungary chuẩn bị rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), sau khi Thủ tướng Orban tuyên bố rằng ICC “bị chính trị hóa”. Đây được xem là phản ứng gián tiếp trước lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà Hungary vẫn duy trì mối quan hệ đối thoại. Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng với Brussels, vốn coi pháp quyền và tôn trọng luật quốc tế là nền tảng của EU.
Rõ ràng, trong mắt các nước EU khác, Hungary đang phá vỡ sự đồng thuận chiến lược trong thời điểm then chốt. Nhưng từ góc nhìn của Thủ tướng Orban, Budapest chỉ đơn giản là bảo vệ lợi ích dân tộc và đòi hỏi quyền được khác biệt.
Sự xung đột hiện nay không còn thuần túy là bất đồng chính sách, nó phản ánh cuộc đấu giữa mô hình “EU thống nhất về giá trị” và mô hình “EU linh hoạt về lợi ích”. Nếu EU không tìm được cách trung hòa hai xu hướng này, khối có thể đối mặt với nguy cơ phân hóa sâu sắc trong chính nội bộ mình.