Cảnh báo AI mạo danh Ngoại trưởng Mỹ lừa đảo các đại sứ quán
(CLO) Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo toàn cầu tới các đại sứ quán và lãnh sự quán, kêu gọi cảnh giác trước một vụ lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mạo danh Bộ trưởng Ngoại giao nước này Marco Rubio.
Vụ việc nhằm vào các quan chức cấp cao của Mỹ và nước ngoài, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ từ công nghệ deepfake và giọng nói giả mạo.
Theo Washington Post đưa tin, một kẻ mạo danh đã sử dụng tin nhắn văn bản, trò chuyện trên ứng dụng Signal và thư thoại được tạo bằng AI để giả làm ông Rubio. Ít nhất ba bộ trưởng ngoại giao các nước, một thượng nghị sĩ và một thống đốc bang của Mỹ đã nhận được các tin nhắn này.
Nội dung các tin nhắn không được tiết lộ, nhưng mục tiêu được cho là để tiếp cận thông tin nhạy cảm hoặc tài khoản của các quan chức.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang điều tra vụ việc và nhận định các nỗ lực mạo danh này “không quá tinh vi”. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh cần thận trọng vì thông tin chia sẻ với bên thứ ba có thể bị lộ nếu các cá nhân bị nhắm mục tiêu bị lừa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce xác nhận cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ tình hình và liên tục cải thiện các biện pháp an ninh mạng để ngăn chặn các sự cố tương tự.
Đây là vụ việc mới nhất liên quan đến một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump bị mạo danh bằng AI. Hồi tháng 5, một vụ việc tương tự đã nhắm vào Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, khi kẻ mạo danh sử dụng danh bạ cá nhân của bà để liên lạc với các quan chức và doanh nhân.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trước đó đã cảnh báo về các chiến dịch sử dụng tin nhắn văn bản và giọng nói giả mạo để lừa đảo các quan chức chính phủ và những người liên quan.
Ngoài ra, đầu năm nay, một video deepfake lan truyền trên mạng cho thấy ông Rubio dường như đưa ra phát ngôn gây tranh cãi về việc cắt quyền truy cập dịch vụ internet Starlink của Ukraine. Chính phủ Ukraine sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Dù các vụ mạo danh gần đây đều thất bại, các quan chức cảnh báo rằng việc lạm dụng AI để lừa đảo đang gia tăng và có thể gây ra mối đe dọa lớn cho an ninh thông tin.
Công nghệ deepfake và giọng nói giả mạo đang trở thành mối quan ngại toàn cầu do khả năng tạo ra nội dung giả mạo chân thực, khó phát hiện. Theo các chuyên gia, chỉ cần 15-20 giây âm thanh của một cá nhân là đủ để tạo ra giọng nói giả mạo bằng các công cụ AI dễ tiếp cận.