Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tinh vi: Giả người quen, tạo đơn hàng để chiếm đoạt tiền cọc
(CLO) Giả làm quen, nhờ đặt mua hàng hoá sau đó in hoá đơn, chứng từ giả, nhiều người dân bị các đối tượng lạ mặt lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn. Để tránh hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không thực hiện chuyển tiền cho các số tài khoản không rõ lai lịch.
Bằng thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng, nhiều đối tượng lạ mặt trong và ngoài nước đã lấy cắp thông tin cá nhân của người dân nhằm mục đích lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Thậm chí, các đối tượng còn tạo nhiều tài khoản mạng xã hội ảo, tạo tên doanh nghiệp ảo, làm hoá đơn giả có dấu đỏ online nhằm tạo lòng tin cho người dân để dẫn dắt vào câu chuyện để lừa đảo.
Theo tìm hiểu, các đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại “rác” hoặc tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên hệ với các cơ sở kinh doanh để đặt hàng với số lượng lớn, đồng thời chuyển tiền cọc để tạo uy tín cho chủ cơ sở kinh doanh.

Sau đó, đối tượng sẽ đưa ra yêu cầu đặt thêm một số mặt hàng khác mà cơ sở không có hoặc có nhưng đối tượng cho rằng không đạt yêu cầu. Lúc này, đối tượng sẽ giới thiệu cho chủ cơ sở một cơ sở khác và đề nghị chủ cơ sở liên hệ để đặt mua hàng rồi giao lại cho đối tượng với giá cao hơn.
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi trên, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân khi chính họ bị các đối tượng thao túng tâm lý, làm theo yêu cầu của chúng rồi sau đó chuyển tiền, và khi nhận được số tiền mong muốn các đối tượng chặn số liên lạc, hay tài khoản mạng xã hội.
Một trong số những nạn nhân trong chiêu trò lừa đảo này là anh Nguyễn Đình Bình (48 tuổi, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Phòng). Ngày 12/7 vừa qua, anh Bình bị đối tượng lạ lừa đảo mất số tiền 5 triệu đồng chia sẻ: “Đối tượng gọi điện tự nhận là người quen của tôi, nói được giới thiệu từ bạn bè thân thiết và chủ động xin số điện thoại. Sau đó, đối tượng đặt hàng đúng ngành nghề mà tôi đang kinh doanh, yêu cầu báo giá, hỏi han chuyên môn và tỏ ra rất thiện chí hợp tác. Mọi hành động của đối tượng đều có chủ đích nhằm tạo dựng lòng tin.


Sau khi đã “chốt” công việc, đối tượng bất ngờ đổi hướng. Người này viện lý do đơn vị công tác đang cần gấp 300 bộ giường tầng sắt, nhưng nhà cung cấp cũ không thể bán như trước do thay đổi nhân sự. Đối tượng nhờ tôi liên hệ tìm nguồn hàng mới. Sau khoảng 30 phút, đối tượng tiếp tục gọi điện thúc giục và cung cấp thông tin một công ty bán hàng với giá 2,95 triệu đồng/bộ.
Để tạo niềm tin, đối tượng gửi hình ảnh phiếu chuyển tiền cọc giả trị giá 50% hợp đồng, đồng thời liên tục giục chuyển hàng trong ngày vì "có đoàn thanh tra từ Sở Y tế sắp về kiểm tra". Song song, phía công ty kia thực chất là đồng phạm cũng liên tục gọi điện yêu cầu tôi chuyển tiền cọc”.
Anh Bình cho biết thêm, khi anh nói chưa nhận được tiền, đối tượng lật giọng, viện cớ ngân hàng đang truy xuất nguồn tiền rồi thúc giục anh “ứng trước” vài chục triệu đồng với lời hứa chắc chắn sẽ được hoàn lại. “Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng tôi mềm lòng và chuyển 5 triệu đồng cho đối tượng. Ngay sau đó, đối tượng tiếp tục giục thêm tiền, nhưng tôi đã bắt đầu nghi ngờ và từ chối chuyển thêm”, anh Bình kể lại.

Nhận thấy nhiều điểm bất thường, anh Bình chủ động dừng giao dịch, chấp nhận mất 5 triệu đồng và tránh được một cú lừa quy mô lớn hơn.
Không chỉ riêng hai trường hợp trên, nhiều người dân tại các tỉnh/ thành trên cả nước cũng từng bị các đối tượng lạ mặt khai thác thông tin, làm quen rồi đặt hàng và thực hiện nhiều hành vi lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người dân lao động.
Trước thực trạng trên, để tránh bị lừa đảo, Bộ Công an khuyến cáo người dân:
Người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng đến tài khoản của mình thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Ngoài ra, lưu ý không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.

Trường hợp phát hiện cần liên hệ Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn hoặc thực hiện tố giác tội phạm qua chức năng gửi Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự trên ứng dụng VNeID.
Đặc biệt, đây là chiêu trò lừa đảo công nghệ cao, lợi dụng tâm lý thiếu cảnh giác của người bán hàng và sự thiếu hiểu biết về giao dịch quốc tế. Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo: tuyệt đối không quét mã QR, không đăng nhập vào bất kỳ đường link lạ nào do người không quen gửi đến, đặc biệt trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới.
Muôn vàn kiểu lừa đảo
Bị đối tượng lạ chiếm đoạt số tiền tài khoản ngân hàng 1,5 tỷ đồng sau khi bị lừa cài phần mềm thanh toán tiền điện giả mạo, một giáo viên tên Đ.T.P.L. ở Hà Tĩnh bỗng nhiên bị mất trắng số tiền tích cóp "cả đời người".

Được biết, ngày 16/7, Công an xã Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) xác nhận, đã nhận được trình báo của một nữ giáo viên tại địa phương bị kẻ xấu lừa đảo mất gần 1,5 tỷ đồng. Hiện Công an xã Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đang phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh điều tra, xác minh làm rõ.
Trước đó, khoảng 14h chiều 15/7, chị Đ.T.P.L. (hiện là giáo viên công tác tại một trường THCS trên địa bàn xã Thạch Hà) đến tại Đội quản lý điện lực khu vực Thạch Hà để trình báo việc bị kẻ xấu dẫn dụ, lừa cài phần mềm thanh toán tiền điện giả.
Theo đoạn video đăng tải gần đây, nữ giáo viên tại Hà Tĩnh nói chị đã làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ về cài đặt phần mềm thanh toán tiền điện bằng hình thức quét mã trên ứng dụng điện thoại. "Tôi đã làm theo thao tác hướng dẫn, lúc này tài khoản bị trừ 3 lần, với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng", nữ giáo viên nói.
Tương tự, ngày 15/7, một người phụ nữ tên Q.V (phường Cầu Giấy, TP Hà Nội) làm nghề kinh doanh online có đăng tải nội dung bị đối tượng lạ lừa tiền trong tài khoản sau khi thực hiện giao dịch tưởng chừng đơn giản. Đối tượng giả làm khách mua 3kg mực khô, sau đó thông báo đã chuyển tiền từ nước ngoài nhưng không gửi bất kỳ liên kết nào, đồng thời khẳng định: “Em không lừa chị, có link gì đâu mà lừa”.
Khi nạn nhân tỏ ra nghi ngờ, đối tượng hướng dẫn gọi điện cho một người tự xưng là nhân viên hỗ trợ “quầy chuyển tiền quốc tế”. Người này yêu cầu nạn nhân quét mã QR để “kiểm tra lỗi hệ thống và nhận tiền về tài khoản”. Tuy nhiên, nạn nhân nhận thấy đây là hành vi lừa đảo nên đã cảnh giác và dừng làm theo hướng dẫn của đối tượng.