Cảnh báo nguy cơ lừa đảo công nghệ: Công cụ chỉ là hỗ trợ, ý thức người dùng quyết định an toàn
(CLO) Tình trạng lừa đảo công nghệ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người dân khi tham gia, tương tác trên môi trường số. Hiện nay, một số công cụ công nghệ đã được phát triển để cảnh báo, phát hiện sớm nguy cơ lừa đảo, song ý thức cảnh giác của người sử dụng vẫn là yếu tố quyết định bảo vệ chính mình
Để phòng ngừa, phát hiện sớm lừa đảo trên không gian mạng, người dân có thể sử dụng các công cụ như chongluadao.vn của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) để kiểm tra đường link có độc hại hay không, ứng dụng Family Safe tích hợp trên các dịch vụ của VNPT, hoặc các sản phẩm cảnh báo của công ty an ninh mạng CyRadar đã được tích hợp trên hệ thống trình duyệt web.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) cũng phát triển ứng dụng nTrust miễn phí cho người dùng smartphone, hỗ trợ phát hiện lừa đảo qua cuộc gọi, website bằng cách kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường link, đồng thời cho phép người dùng gửi thông tin nghi ngờ về trung tâm để xử lý kịp thời.
Các công cụ này hoạt động dựa trên thuật toán học máy, trí tuệ nhân tạo và tổng hợp dữ liệu từ các tên miền có nguy cơ giả mạo, cơ chế hoạt động của các đường link để phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Tiến sĩ Lê Quang Minh, Phó Viện trưởng Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các công cụ công nghệ chỉ thật sự hữu ích khi người dùng biết khi nào cần sử dụng, chẳng hạn khi nhận được một đường link lạ, người dùng có thể kiểm tra để biết đường link đó có chứa mã độc hoặc cạm bẫy của hacker hay không.
Thực tế, công cụ này chưa phổ biến rộng rãi trong người dùng thông thường, dù vẫn được các cơ quan chức năng sử dụng để thu thập nguy cơ, gửi cảnh báo, đưa ra khuyến cáo trên cửa sổ trình duyệt hoặc qua các nhà cung cấp dịch vụ internet.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng mạng xã hội, truy cập internet và tương tác trên môi trường số ngày càng lớn, nguy cơ mất an toàn thông tin, sập bẫy lừa đảo luôn hiện hữu. Để giảm nguy cơ, chuyên gia Lê Quang Minh khuyến nghị người dùng cần tăng cường bảo mật tài khoản, thiết lập xác thực hai yếu tố (2FA) cho tài khoản mạng xã hội, email, ngân hàng để ngăn chặn việc kẻ gian xâm nhập, đổi mật khẩu hoặc chiếm đoạt tài khoản khi biết mật khẩu.
Người dùng cần định kỳ thay đổi mật khẩu, sử dụng mật khẩu mạnh, không dùng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản, tuyệt đối không bấm vào những đường link lạ, luôn đề cao cảnh giác trước những lời mời hấp dẫn hoặc thông báo trúng thưởng từ người lạ.
Đối với thiết bị truy cập internet, người dùng cần thường xuyên cập nhật phần mềm để giảm tới 90% nguy cơ lỗ hổng bảo mật. Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng smartphone thì có một người là nạn nhân lừa đảo trực tuyến, với tổng thiệt hại người dùng trong nước năm 2024 ước tính khoảng 18.900 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, chỉ 4,46% người được khảo sát không bị làm phiền bởi cuộc gọi rác, trong khi 52,96% nhận vài cuộc gọi rác mỗi tháng và 42,58% nhận cuộc gọi rác hằng tuần.
Chuyên gia Minh nhận định, các hình thức lừa đảo hiện nay không quá phức tạp về mặt công nghệ mà chủ yếu khai thác yếu tố tâm lý và kịch bản tinh vi như dụ dỗ người dùng tham gia đầu tư giả hứa hẹn lợi nhuận cao, giả mạo cơ quan công quyền, giả mạo đơn vị giao hàng, hoặc lừa đảo bằng thông tin trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Để tự bảo vệ mình, người sử dụng internet cần nâng cao nhận thức về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, thường xuyên chia sẻ thông tin, trao đổi nhận thức với người xung quanh để cùng nhau cảnh giác.
Về phía các cơ quan chức năng, nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, cung cấp thông tin về các nguy cơ lừa đảo dù không phức tạp về công nghệ nhưng người dân vẫn dễ mắc bẫy khi tham gia, tương tác trên không gian mạng, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội.