“Cắt được chữ nào phải cắt ngay, nào phải nhả ngọc phun châu đâu”

Thứ tư, 21/02/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dương Phương Vinh từ lâu đã được biết đến là một trong những cây bút mang đậm cá tính riêng, nhiều người đọc bài, không cần đọc tên tác giả cũng có thể đoán được đó là bài của chị. Dương Phương Vinh luôn “chủ trương viết giản dị tự nhiên nhất” cùng chính kiến rõ ràng. Và giờ đây, ở tuổi “chín mõm mòm” như chị nói, chị lại hào hứng hơn với các bài viết đầy trải nghiệm cảm xúc.

Hồi trẻ tôi cũng cầu kỳ, “tỏ ra” lắm…

+ Chị ý thức về sự “giản dị tự nhiên” này từ ngày mới vào nghề?

- Hồi trẻ tôi cũng cầu kỳ, “tỏ ra” lắm nhưng càng ngày càng giản dị, viết sao cho bất cứ ai cũng hiểu được. Văn chương có thể nhiều trường phái, nhiều chủ nghĩa chứ báo chí chả nên đánh đố ai, cho dù anh là người làm báo có văn đến đâu đi nữa.

+ Với các phóng viên trong Ban Văn hoá, chị cũng đòi hỏi theo sự giản dị đó?

- Tôi luôn dặn PV, khi tường thuật một sự kiện hoặc viết một phóng sự thì phải cố gắng có được không khí, hình ảnh, ngôn ngữ. Ta biết rằng báo chí hiện đại đòi hỏi 5I, chứ không chỉ 5W. (5I là: Informed - thông tin; Intelligent - trí tuệ; Interesting - thú vị; Insightful - thấu hiểu; Interpretive- diễn giải). 

Chẳng hạn viết một phóng sự như Ném Thượng mùa chém lợn, không chỉ thuật được không khí, hình ảnh sôi sục trước, trong và sau khi khai đao, còn phải hỏi chuyện những người đáng hỏi, ví dụ những người đang dự lễ hội với con mắt của kẻ thượng đài, để nắm được tinh thần của cái làng độc đáo này, nghe họ nói những câu rất Ném Thượng như: “72 nơi thờ tướng Lý Đoàn Thượng, chỉ làng tôi được chém!” “Chính quyền cứ o ép nhưng cấm thế nào được chúng tôi”. Tôi còn tạo cuộc đôi co với họ, ví như khi họ nói: “Nhiều việc còn dã man hơn chém lợn sao không cấm đi”, mình bèn gặng “Nói vậy bác cũng thừa nhận chém lợn có dã man?” “Là người ta nói chứ chúng tôi chẳng thấy dã man gì cả!”. Hoặc tôi để họ thuật lại không khí cuộc trưng cầu ở địa phương trước mùa chém lợn, cán bộ hỏi có chém nữa không, tất cả hô “Chém!”. Vân vân.

Báo Công luận
Nhà báo Dương Phương Vinh 
+ Dù sao thì bài viết vẫn cần có điểm nhấn, chị hay muốn nhấn vào đâu?

- Nói chung tôi rất quan tâm đến ngôn ngữ nhân vật. Với nhân vật trong bài phỏng vấn, tôi thường để họ nói một cách tự nhiên nhất có thể, giữ nguyên khẩu khí vì nó ra được tính cách của họ. Nhân vật nói hay, bộc lộ được nhiều thứ thì tôi càng chú trọng đưa vào cho dù không phải bài phỏng vấn. Và, học theo một nhà văn nước ngoài, thỉnh thoảng tôi cũng trích dẫn bản thân, để “tăng thêm độ thú vị”. (cười).

Ôi tôi gàn lắm, có độ lẩm cẩm…

+ Tôi dùng từ cực đoan (theo hướng tích cực) để nói về cách làm báo của chị, vì so với xu hướng đưa tin bài không thật sâu, không thật dầy công của nhiều phóng viên, thì các bài của chị khi nào cũng là sự dụng công, một bề dày văn hoá, một sự liên tưởng nào đó, logic được xâu chuỗi trong nhận định... để khái quát một vấn đề khác (mang đến một lối tư duy về thẩm mỹ, về văn hoá...) ngoài câu chuyện bề nổi đang xảy ra?

- Bạn quá lời, tôi cũng không sâu đến thế đâu (cười). Đúng ra có những bài sâu, dụng công và cả những bài gấp quá, chạy theo thời sự thì cũng không tự đặt yêu cầu quá cao.

Nói chung tôi thấy nếu có thời gian, ta luôn có thể làm tốt hơn. Đọc lại bài báo vừa ra, luôn nghĩ lẽ ra có thể viết hơn thế. Cho nên nhiều khi báo giấy ra rồi, báo điện tử in lại nhưng tôi đòi sửa bản điện tử cho tốt hơn. Cũng cách rách cho bộ phận kỹ thuật phết đấy, họ nể nang chứ ai cũng như mình thì chết. Bây giờ có qui định mới về việc gỡ bài nên tôi gần như không tút tát nữa, dễ dãi dần rồi (cười).

Đi một sự kiện nào đó, tôi nghiệm ra phải viết ngay vì lúc đó đầy hứng, đầy xúc cảm chứ để lâu một chút thì lãng đi và không nhớ chính xác như ban đầu. Tuy nhiên, cũng phải có thời gian vật chất nhất định, nửa ngày đến một hai ngày thì bài sẽ sâu hơn là chỉ có vài tiếng mà xong một phóng sự 2.000 chữ chẳng hạn.

+ Chị có cho rằng sẽ làm khó phóng viên khi mình cầu kỳ, kỹ tính với chính mình?

- Ôi tôi gàn lắm, có độ lẩm cẩm. Phóng viên trẻ chắc hay thầm rủa mình chứ chả chơi. Tôi thường nói với phóng viên là “luôn có thể cúp bớt, cắt được chữ nào phải cắt ngay, nào phải nhả ngọc phun châu đâu”. Tôi bắt ne bắt nét họ từ những chuyện be bé như tuyệt đối không được dùng sai từ Hán Việt cho dù cả nước đang dùng sai, nào là đề cập đến, đồng hành cùng, còn tồn tại, vân vân. Rồi chính tả, văn phạm là những thứ tưởng sơ đẳng đối với nghề báo nhưng hóa ra không phải. Nhan nhản trên báo và truyền hình là những lỗi diễn đạt, lâu dần mọi người tưởng đúng. Mình cự cãi, phản đối thì thành con quạ trắng, chả giống ai, khó tính như ma. Gàn quải.

Với tôi, người viết báo quan trọng nhất là tư duy phải mạch lạc, bên cạnh những yêu cầu khác. Nhiều người làm nghề cả đời nhưng đọc bài muốn bệnh, rối như canh hẹ.

+ “Bắt ne bắt nét” thế nhưng “một chiều sâu cho mảng văn hoá” ở báo Tiền Phong do chị cầm trịch hình như vẫn chưa làm chị hài lòng?

- Chả bao giờ hài lòng.

Báo Công luận
Nhà báo Dương Phương Vinh 
Tôi thích báo mình có góc thư giãn hơn mà không phải… giải trí kiểu showbiz

+ Hiện tại thấy chị đang làm mới các chuyên mục, các bài nặng về cảm xúc... do chính chị viết. Điều gì đã giúp cho chị có cảm hứng viết ở đủ lĩnh vực?

- Tôi cũng hứng vừa thôi, hay nói đùa với các phóng viên trẻ là mình hỏng lâu rồi vì lâu rồi không thấy cái gì trên đời là đáng đưa trang nhất nữa. Vẫn biết rằng trước một vấn đề, sự kiện nóng về văn hóa và rộng hơn văn hóa thì người làm báo phải có thái độ, chính kiến rõ ràng. Nhưng qua một hai ngày lại thấy nhạt dần, để nó trôi đi.

Hiện tôi thấy báo Tiền Phong và nhiều báo chính thống khác đọc bị nặng, thiên về chống tiêu cực, quốc kế dân sinh, cơm áo gạo tiền. Tất cả những vấn đề đó đều cần thiết nhưng báo chí không nên chỉ có thế. Tôi thích báo mình có những góc thư giãn hơn mà không phải là giải trí kiểu showbiz. Ví dụ viết về những mảng phong lưu của đời sống, hoặc làm thế nào để sống vui hơn, hạnh phúc hơn. Bạn đọc bây giờ bị bội thực thông tin, họ rất cần thư giãn, cần đọc những bài báo có những gợi ý, quan niệm văn minh về lẽ sống chết. Chúng ta ai chẳng muốn mình sống vui, hạnh phúc hơn, phải không?

+ Báo chí hiện nay bị cho là thiếu những người viết phê bình, nhận định về các câu chuyện văn hoá, thiếu những cây bút thể hiện cá tính… Là người nhiều năm trong nghề viết, chị lý giải thế nào về thực tế này?

- Phải nói phóng viên bây giờ nhiều bạn rất nhanh, đi hội nghị, đi sự kiện chỉ một hai tiếng sau đã nộp bài nóng hôi hổi hoặc ngồi tại chỗ viết nhoằng cái là xong. Xông xáo nhiệt tình. Nhưng như vậy chưa đủ.

Phóng viên văn hóa phải đọc nhiều xem nhiều, kiến văn rộng, có khẩu vị tốt. Sống không hời hợt. Trau dồi ngôn ngữ, làm chủ ngôn ngữ. Viết bình luận thì đúng là không được ngại đụng chạm. Sợ đắc tội với người này người nọ thì chỉ viết phản ánh thôi.

Tôi nghe chị Ea Sola, biên đạo múa nổi tiếng người Việt lai Hunggari sống ở Pháp kể một phóng viên viết về múa chẳng hạn, là chỉ có múa thôi và họ phải đi xem vài lần một vở, mới có thể viết được một bài. Ta thì hoàn cảnh khiến mỗi người đều phải làm dao pha, chơi tất. Nhưng chị Ea Sola cũng nói, phóng viên văn hóa Pháp không phải ngon cả đâu, cũng đủ kiểu, đầy người “tham nhũng tinh thần” nghĩa là khen chê kiểu lợi ích nhóm hoặc khen, tâng người thân quen với mình.

Cũng chị Ea Sola có lần nói với tôi: “Đa số phóng viên văn hóa của Việt Nam không có câu hỏi đúng nghĩa, hỏi chỉ để mà hỏi”. Bạn thấy sao, có đúng không?

Hằng Nga

(Thực hiện)

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo