Câu trả lời rõ ràng cho giá xăng: Không thể lần lữa mãi!

Thứ năm, 17/03/2022 09:26 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 16/3 về nhóm vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý Bộ trưởng Bộ Công thương phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn về vấn đề cân đối xăng dầu.

Tuy nhiên, một buổi đăng đàn của Bộ trưởng, như một lẽ đương nhiên, đã khó có thể giải đáp hết vô số những băn khoăn, thậm chí bức bối về giá xăng trong bối cảnh bão giá giữa cơn đỉnh dịch COVID-19 đang đẩy hàng triệu người lao động nghèo vào tình thế nan giải chưa từng có.

1.Tiền thuê nhà không giảm, giá rau giá thịt tăng vùn vụt, 500 ngàn trước đi chợ được vài 3 ngày, giờ có khi một bữa chợ hết veo. Tiền lương thời COVID-19, FO, F1 bữa đi làm bữa không, đã chẳng những không tăng mà còn giảm, thậm chí bấp bênh, test nhanh COVID thì “tận dụng thời cơ” lên nhanh như diều gặp gió… đó là những tâm sự, thở than bạn có thể bắt gặp tại bất cứ đâu, trong cuộc trò chuyện với bất cứ ai, nhất là những người lao động nghèo làm công ăn lương những ngày vừa đỉnh dịch, vừa chao đảo trong cơn bão giá này.

cau tra loi ro rang cho gia xang khong the lan lua mai hinh 1

Trong tình thế “nhạy cảm” là thế, nên nỗi bức xúc khó dồn nén của hết thảy người dân trong bối cảnh xăng dầu không ngừng tăng giá, không ngừng “lập đỉnh” như thời gian vừa qua cũng là một lẽ đương nhiên. Bức bối càng chồng bức bối khi xăng dầu và các loại hàng hóa, dịch vụ khác thường xuyên lấy cớ giá xăng tăng để vịn vào đó “ăn theo”, tăng giá một cách bất hợp lý, đánh thẳng vào túi tiền người dân. Thế nên, bấy lâu nay, giá xăng tăng luôn là một trong những câu chuyện dân sinh nhạy cảm bậc nhất trong hết thảy các vấn đề mà người dân quan tâm.

2. Cũng bởi sự nhạy cảm, bức xúc ấy, mà cũng như một lẽ đương nhiên, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, phiên đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được các đại biểu và cử tri quan tâm hơn cả. Đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay trước buổi chất vấn đã đặc biệt nhấn mạnh, Bộ trưởng phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn về vấn đề cân đối xăng dầu.

cau tra loi ro rang cho gia xang khong the lan lua mai hinh 2

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Sáng 16/3, trước hàng loạt câu hỏi về “giá xăng dầu có thể giảm không”, người đứng đầu ngành Công thương cho biết giá xăng dầu trong nước có giảm hay không sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ông giải thích, giá thế giới và trong nước là “bình thông nhau”, nên khi giá thế giới tăng sẽ tác động tới giá trong nước. Tuy nhiên, ở khía cạnh quản lý, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ sử dụng các công cụ bình ổn để kìm đà tăng giá trong nước thấp hơn thế giới và tăng ở mức “có thể chấp nhận được”.

Về vai trò của Quỹ bình ổn xăng dầu, sau khi thừa nhận sự bất hợp lý, chưa theo thị trường trong phương thức trích - lập từ mỗi lít xăng, dầu người tiêu dùng mua, Bộ trưởng Công Thương cho biết: “Tới đây, sẽ nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô quỹ này và xem xét tạo nguồn quỹ này thế nào, từ đâu, từ ngân sản hay trích lập trên mỗi lít xăng dầu để có quỹ bình ổn đúng nghĩa”.

3. “Tình hình hiện nay nguồn cung không thiếu, giữa vai trò của các nhà máy lọc dầu của ta có tác dụng như thế nào để chủ động điều hành bình ổn giá? Ngoài quỹ bình ổn giá thì Bộ trưởng đề xuất vấn đề gì căn cơ, ổn định hơn, quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước?” - chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) trong phần tranh luận với Bộ trưởng đã cho thấy còn quá nhiều vấn đề còn tồn tại phía sau câu chuyện “căn bệnh cố hữu” bao nhiêu lâu này: “giá xăng tăng nhanh, giảm chậm”.

Vai trò của các nhà máy lọc dầu ở đây đã được các đại biểu chỉ ra và như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công thương là “một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước”, “Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới”.

cau tra loi ro rang cho gia xang khong the lan lua mai hinh 3

Nhưng rõ ràng, với một mặt hàng ảnh hưởng quá lớn đến đời sống dân sinh như xăng dầu, rõ ràng bất kỳ ẩn số nào cũng phải được giải quyết. Và đương nhiên, vai trò của các nhà máy lọc dầu cũng chỉ là một ẩn số trong nhiều ẩn số cần phải có được câu trả lời như người đứng đầu Quốc hội đã nhấn mạnh, rõ ràng và cụ thể hơn.

Và trong bối cảnh, để đảm bảo chúng ta thực sự “không để ai lại phía sau”, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 đã là cú giáng cực mạnh cả về tâm lý và sinh kế của người dân, thì những câu hỏi ấy cần phải có ngay câu trả lời minh bạch, không thể lần lữa mãi.

Nói như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại phiên chất vấn sáng 16/3, phải cố gắng không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng sản xuất, lạm phát. “Thực ra câu chuyện này mấy ngày gần đây, tôi thường nhận được tiếng kêu trong đêm của đại biểu Quốc hội, nông dân. Tôi cũng thấu cảm được vấn đề đó”, đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về vấn đề ùn ứ nông sản. Sự thấu cảm ấy, thiết nghĩ, cũng cần thiết chẳng khác là bao trong câu chuyện giá xăng dầu, cứ mãi “tăng nhanh, giảm chậm”.

Hồng Hà

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn