Cầu treo bện bằng cỏ: Biểu tượng độc đáo của người Inca

Thứ bảy, 04/09/2021 16:15 PM - 0 Trả lời

(CLO) Được làm hoàn toàn thủ công và trông giống như sợi chỉ bắt qua các hẻm núi, tinkuqchaka (cầu treo bằng cỏ cây) là kết tinh của tình đoàn kết nhưng đang dần biến mất.

Cây cầu từ hàng ngàn năm

Peru thuộc một phần của dãy núi Andes nên là vùng đất lắm núi cao, sông xiết và thác dữ. Đối với các bộ lạc bản địa, tinkuqchaka (cầu treo bằng cỏ cây) đóng vai trò thiết yếu. Loại cầu này đã được người Inca thực hiện từ khoảng năm 600 bằng cách tận dụng các loại thực vật địa phương có tên pichus để bện lại với nhau.

Pichus thuộc chi Sung đa (Ficus), dạng cây bụi, rất dai và bền nên được người Inca chặt rồi bện các nhánh cây thành hàng chục sợi thừng dài cả 100m, gọi là thừng aqaras. Sau khi bện đủ thừng aqaras, người ta chuyển sang làm đại thừng aqaras. Nó to bằng thân người trưởng thành, đóng vai trò là khung cầu treo.

cau treo ben bang co bieu tuong doc dao cua nguoi inca hinh 1

Những cây cầu treo như sợi chỉ mắc từ đầu bên này sang bên kia hai bờ sông.

Những sợi thừng này sau đó được mang đến nơi cần làm cầu treo. Ở một bên bờ sông phẳng hơn người dân đào hố, chôn cọc buộc đại thừng aqaras, còn phía đối diện thường tiếp giáp với vách đá, người ta chọn trước trụ đá tự nhiên vững chãi hoặc chất các khối đá lớn thành tháp.

Đại thừng aqaras được kéo sang bờ đối diện bằng cách lôi qua cây cầu treo cũ, căng cho thẳng rồi buộc vào trụ đá. Khi đã hoàn thành, người Inca cắt đứt cầu cũ, thả xuống sông. Họ đem thừng aqaras đan kín khung và lòng cầu dây và như vậy tạo thành một cây cầu treo mới.

Cuộc thi làm cầu 2 năm một lần

Thời xưa, các cộng đồng người Peru (Nam Mỹ) thường tự phân chia làm 2 nhóm: Người trong và kẻ ngoài. Mặc dù phân chia người trong và kẻ ngoài, giữa các cộng đồng người Peru cổ đại không tồn tại sự kỳ thị bởi thực chất họ đều là người Inca và sự phân chia chỉ mang tính duy trì sự cân bằng, tạo tinh thần phấn đấu.

Tuy nhiên, đến thời hạn thay cầu tinkuqchaka thì sự phân định kẻ trong – người ngoài sẽ rõ ràng hơn bởi lúc này họ sẽ phải thi đua để giành quyền làm cầu. Thời điểm thay cầu được một người phụ trách trông coi thông báo và cộng đồng người Inca sở hữu cây cầu sẽ tạm dừng các công việc thường nhật, lo chặt pichus mang tới sân tập trung Kumumpampa nằm gần chân cầu để các nam giới thi đua.

cau treo ben bang co bieu tuong doc dao cua nguoi inca hinh 2

Cuộc thi làm cầu treo hai năm một lần là phương tiện để thể hiện tình đoàn kết của người Peru xưa.

Đầu tiên, họ thi nhau làm xong 23 thừng aqaras dài 100m. Các cành pichus được cột thành từng bó nhỏ, mỗi bó 9 cành, rồi mới bện thừng. Người trong và kẻ ngoài vừa đua bện nhanh vừa trêu chọc, thách thức lẫn nhau. Phụ nữ Inca không tham gia vào công việc này nhưng sẽ có nhiệm vụ cổ vũ cho nam giới và nấu ăn.

Sau đua bện thừng là đua bện đại thừng. Bên nào xong trước thì thắng cuộc, được tuyên dương và tặng quà. Ngược lại, bên thua cuộc thì ngượng ngùng, mất mặt. Có điều dù thắng hay thua, cả 2 bên đều chung sức kéo dây, kết cầu. Sợi đại thừng aqaras cực nặng, phải mất hàng giờ mới được kéo và buộc xong.

Trung bình, việc thay cầu tinkuqchaka mất khoảng 5 ngày. Vậy nên ban ngày, người Inca cật lực làm việc còn ban đêm, họ giao lưu, ăn uống, ca hát và nhảy múa.

Đối với người dân Peru cổ đại, tinkuqchaka là trách nhiệm và niềm tự hào của cả cộng đồng nên ai cũng nỗ lực hết mình, mong đóng góp một phần công sức. Mỗi dịp thay cầu tinkuqchaka là 1 lần người Inca tụ tập cả làng, vui vẻ chung sức và thể hiện tinh thần đồng lòng nhất trí cũng như tình đoàn kết.

Nguy cơ rơi vào dĩ vãng

Tinkuqchaka đã là biểu tượng của người Inca trong suốt hơn 1.000 năm cho đến khi thực dân Tây Ban Nha đến xâm lược Nam Mỹ, họ đã hoàn toàn kinh ngạc trước kiệt tác này nhưng lại chỉ thực sự quan tâm đến vàng bạc, khoáng sản ở địa phương. Vì vậy nhiều cây cầu treo đã bị bỏ mặc, tự mục nát và rơi xuống dòng sông.

cau treo ben bang co bieu tuong doc dao cua nguoi inca hinh 3

Những cây cầu này đang mất dần đồng thời một biểu tượng văn hóa cũng sẽ không còn.

Năm 1877, thế giới bên ngoài mới biết đến cầu tinkuqchaka Peru qua nhà khảo cổ người Mỹ lừng danh E. George Squier (1821 – 1888). Ông giới thiệu và phác họa cây cầu treo kỳ vĩ bắc ngang sông Apurímac. Nó dài trên 40m, nối 2 bờ vách đá dựng đứng. Nhiều du khách tìm đến Peru chỉ để tận mắt nhìn cây cầu này.

Thế nhưng “mọi thứ đều có hồi kết” và biểu tượng của người Inca xưa dần bị đe dọa bởi những cây cầu mới bằng cáp, chắc chắn cũng như hiện đại hơn. Vào năm 1992, Peru chính thức có cây cầu cáp đầu tiên. Nó được dựng bằng sắt thép, an toàn và bền vững. Năm 2007, Peru khánh thành cầu đường lớn, cho phép ô tô chạy.

Từ đó tinkuqchaka chỉ còn là cầu du lịch, để du khách ngắm và thử nghiệm đi qua. Cho dù kỹ thuật bện cầu của người Inca đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013 nhưng rất nhiều trong số những cầu treo không được quan tâm và thay mới để bị mục nát, rơi xuống sông. Tháng 4/2021, tinkuqchaka còn sót lại nổi tiếng nhất, Queshuachaca (gần Thủ đô Cuzco) đã mục rơi vì thiếu bảo trì.

Bảo Khánh

Bình Luận

Tin khác

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa
Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa