Chàng phóng viên trẻ và trải nghiệm tác nghiệp nơi “điểm nóng” thiên tai

Thứ năm, 05/03/2020 09:36 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong những ngày này, Nguyễn Đức Khải – phóng viên thường trú của báo Nhân Dân tại Yên Bái đang liên tục di chuyển trên địa bàn tỉnh Yên Bái - những địa phương đang bị hứng chịu hậu quả của mưa bão, sạt lở..., thực hiện nhiệm vụ thông tin, đầy đủ và sớm nhất về tình hình.

Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện nhanh với chàng phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết và say nghề này về những trải nghiệm tác nghiệp nơi “điểm nóng” thiên tai.

Ảnh tác nghiệp tại vùng lũ An Lương, huyện Văn Chấn 2018.

Ảnh tác nghiệp tại vùng lũ An Lương, huyện Văn Chấn 2018.

Động lực lăn xả vào làm việc

+ Tôi rất thích lời giới thiệu của Truyền hình Nhân dân về bạn: Chúng tôi gọi Đức Khải là “chân gà” bởi đôi chân này đã không ngừng di chuyển đến những vùng đất bị xé nát, bị sạt lở và ngổn ngang bởi lũ quét. Vài ngày nay, đôi chân ấy lại bắt đầu những chuyến đi, dường như chuyện tác nghiệp nơi thiên tai đã thành một thói quen thường nhật với người làm báo trên địa bàn?

- Đúng là những ngày này rất nhiều ngôi nhà tại Yên Bái bị tốc mái, nhiều người bị thương trong cơn lốc. Mặc dù chưa vào mùa mưa bão mà đã đầy những lo lắng, dự cảm một năm khó khăn với người dân nơi đây. Nói thật lòng, với những người phóng viên quen với chuyện thiên tai như chúng em thì đó là một nỗi kinh hoàng. Em là một phóng viên trẻ (sinh năm 1992) với 5 năm làm nghề, nhưng cũng từng ấy năm chuyên tác nghiệp ở địa bàn miền núi, thường xuyên xảy ra bão lũ, sạt lở từ Lai Châu, Lào Cai và nay là thường trú Yên Bái. Trong những năm gần đây (từ năm 2017 đến năm 2020), tỉnh Yên Bái liên tục xảy ra bão lũ gây thiệt hại rất nhiều về người và tài sản. Đối với những phóng viên thường trú như chúng em thì luôn phải cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình, cuộc sống của bà con cần gì, thiếu gì, mất gì và mong muốn gì...

Ảnh tác nghiệp tại vùng lũ trạm tấu tháng 10-2017.

Ảnh tác nghiệp tại vùng lũ trạm tấu tháng 10-2017.

+ Dù biết bạn là phóng viên không ngại khó, nhưng phải thấy rằng, có quá nhiều những áp lực và khó khăn cho những người làm nghề khi tác nghiệp trong thiên tai. 5 năm để thấm thía điều ấy, bạn vượt qua như thế nào?

- Vâng, khó khăn rất nhiều, với người trẻ thì điều đó càng lớn hơn. Thứ nhất là vấn đề di chuyển của phóng viên trên địa bàn thường ít nhiều rủi ro. Vì những cung đường tác nghiệp gần như bị chia cắt và sạt lở hoàn toàn. Phóng viên thường phải dựa theo kinh nghiệm và khả năng phân tích, phán đoán tình hình để tìm ra hướng tác nghiệp an toàn. Ngay khi xảy ra vụ việc thì trong đầu đã phải định hình được đâu là những địa phương xảy ra thiệt hại nặng nề nhất. Sau đó mình sẽ vận dụng mọi kinh nghiệm, các mối quan hệ để đến nơi kịp thời khai thác thông tin. Với một phóng viên trẻ một mình tác nghiệp trong một cơ quan độc lập thì sẽ có nhiều bỡ ngỡ và nhiều khó khăn hơn vì ngoài điều đó còn phải luôn năng động trong vai trò một phóng viên 3 trong 1 vừa phụ trách về hình, về ảnh và cả về tin. Thế nên, đi bộ những quãng đường xa với lỉnh kỉnh máy móc tác nghiệp là chuyện “thường ngày ở huyện” thậm chí gặp rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến cả tính mạng, tài sản, máy móc. Đã có những lần em phải vác theo máy quay đi bộ với đôi ủng cũ hơn 30km trong vòng 4 tiếng đồng hồ mà trong người chỉ vẻn vẹn có 2 phong lương khô và một chai nước lọc. Nhớ lại thời điểm khi vừa mới được chuyển giao công tác, em đã phải ngay lập tức tiếp cận địa bàn và trực tiếp làm việc. Thậm chí phải vào tận những khu vực bị sụt lún đến ngang bụng. Nhiều lúc còn phải giơ cả máy quay, máy ảnh lên để không bị hỏng máy móc tác nghiệp. Khi vào được đến nơi thì cảm giác như đã kiệt sức nhưng mà cứ nghĩ đến nghề nghiệp, nghĩ đến bà con đồng bào thì tự nhiên mình lại có động lực lăn xả vào làm việc.

Ảnh tác nghiệp vùng lũ Nậm Mười - Yên Bái năm 2017.

Ảnh tác nghiệp vùng lũ Nậm Mười - Yên Bái năm 2017.

16 tiếng đồng hồ đi bộ, tăng bo bằng xe máy và 27 ngày nằm vùng 

+ Với một phóng viên trẻ khá bạo gan như bạn, chắc hẳn chẳng thiếu những câu chuyện tác nghiệp “lăn xả” đáng nhớ?

- Đó là câu chuyện của ngày mùng 1 tháng 8 năm 2017, em nhận quyết định chuyển từ cơ quan thường trú Lai Châu về thường trú Yên Bái thì 3 ngày sau đó tại huyện vùng cao Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái xảy ra đợt lũ quét sạt lở đất. Em nhận lệnh từ lãnh đạo chỉ đạo phải ngay lập tức lên huyện vùng cao Mù Cang Chải cách trung tâm thành phố Yên Bái 180km. Trước khi lên đường, sếp (chú Nguyễn Thanh Sơn – Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Yên Bái) - người có hàng chục năm công tác tại tỉnh miền núi, với rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp trong hoàn cảnh có thiên tai, dặn dò là tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân. Đó là quãng thời gian 27 ngày tác nghiệp nằm vùng đáng nhớ ở địa bàn xã Chế Tạo của huyện vùng cao Mù Cang Chải, xã xa nhất của tỉnh Yên Bái cách trung tâm thành phố 210km và sống biệt lập trong rừng già. Đây cũng là xã thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ. Cung đường chính đi vào xã thì bị sạt lở và chia cắt, em cùng đoàn công tác phải đi vòng theo lối đập thủy điện của huyện Than Uyên, Lai Châu. Đi ròng rã suốt 16 tiếng đồng hồ mới có thể tiếp cận vào được xã Chế Tạo và gặp được bà con đang ngày một kiệt sức vì đói, vì lo sợ bị bỏ rơi. Ngày đầu tiên, khi đến nơi thì người dân không có gì để ăn uống cả chỉ trông chờ vào lương thực tự cung tự cấp. Nhưng khi cán bộ vào tới nơi thì họ mang theo nước uống và lương thực để giúp đỡ, những hộp sữa cho các em nhỏ, người dân đã chạy đến ôm chầm lấy những người cán bộ và em là người đã kịp ghi nhận được những hình ảnh ấy.

Và cũng từ chuyến tác nghiệp này, những gì chứng kiến đã khiến em đau đáu và thấu cảm biết bao nhiêu về những người dân mình đã gặp, về những nỗi mất mát không gì bù đắp được. Đau đớn nhất là phải chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương, những thi thể sau trận lũ không còn được nguyên vẹn. Thực sự, có nhiều lúc em vừa viết vừa khóc. Một phần là bởi thấy cực thân sau một chặng đường dài vất vả, phần là cứ ám ảnh và đau xót trước những nỗi mất mát to lớn của người dân. Nên cứ mỗi lần nghĩ đến câu chuyện người dân phải trải qua và quá trình đi tác nghiệp em thường tự hỏi: Tại sao lại khổ và vất vả như thế này, tại sao người dân họ lại phải chịu những sự mất mát như vậy?...

Ảnh ngồi ăn lương khô sau khi đi bộ 8km tại vùng lũ văn chấn 2018.

Ảnh ngồi ăn lương khô sau khi đi bộ 8km tại vùng lũ văn chấn 2018.

+ 5 năm làm báo ở nơi có thể gọi là “điểm nóng”, quãng thời gian ấy không hẳn là quá dài nhưng có lẽ cũng đủ để một phóng viên trẻ như Đức Khải rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân?

- Theo em thì thứ nhất là phải tuân thủ nguyên tắc. Đó là sự chỉ đạo và quán triệt nghiêm túc của lãnh đạo cơ quan. Thứ hai là dựa vào kinh nghiệm thực tế của phóng viên trực tiếp đi tác nghiệp. Thứ ba là phải phản ứng thật nhanh trong những tình huống đột xuất, phát sinh. Và cuối cùng là phóng viên thì phải đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân trong quá trình tác nghiệp. Để làm được điều đó, sự chuẩn bị luôn là điều đầu tiên em nghĩ đến. Trước khi đi tác nghiệp em phải suy nghĩ được trong đầu và định hình được địa hình khu vực tác nghiệp một cách cụ thể như là: Nó xảy ra sạt lở ở khu vực nào, đường giao thông chia cắt như thế nào? Rồi sau đấy dựa vào kinh nghiệm của phóng viên đi khai thác trực tiếp thì rút ra được phương hướng để khai thác theo hướng nào, nhân vật nào, cách thức ra sao. Còn đối với địa phương thì em dựa vào phương châm 4 tại chỗ. Trong đó, phải dựa vào mối quan hệ của bản thân, bám sát người chỉ huy trực tiếp công tác khắc phục, ở huyện thì thường là Bí thư hoặc Chủ tịch huyện, ở xã thì là Bí thư và Chủ tịch xã tác nghiệp trực tiếp. Đặc biệt trong quá trình di chuyển em phải để ý thức về vấn đề địa chất của khu vực đấy như thế nào để chọn vị trí tác nghiệp. Cái này thì chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm chứ không ai dạy cả. Cũng may là em sinh ra và lớn lên ở Yên Bái nên nhiều thuận lợi hơn trong vấn đề này. Ngoài ra, là một phóng viên làm về vấn đề bão lũ, em cũng xác định rõ được mối nguy hại về tính mạng cho nên đi đâu, cách 30 phút đến 1 tiếng là gọi điện thông báo cho người quản lý, và  đặt định vị cho người nhà biết phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

+ Cảm ơn Đức Khải!

Vân Hà (Thực hiện)

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo