Chàng trai 'hô biến' mảnh giấy vuông thành mô hình con vật công phu bán với giá hàng trăm USD

26/06/2021 15:03

(CLO) Không cần cắt, dán, chỉ với một tờ giấy vuông, Nam Sơn đã có thể tạo những mô hình rồng, kỳ lân… rất công phu, bắt mắt. Một tác phẩm do chàng trai 27 tuổi làm ra được bán với giá từ 150-300 USD, tùy theo độ phức tạp.

Nguyễn Nam Sơn (27 tuổi, ngụ tại TP. Hà Nội) là chủ của hàng chục tác phẩm Origami (môn nghệ thuật gấp giấy ở Nhật Bản) được nhiều người khen ngợi trên mạng xã hội.

Anh Sơn mở lớp dạy Origami cho trẻ từ 3-12 tuổi tại Hà Nội

Anh Sơn mở lớp dạy Origami cho trẻ từ 3-12 tuổi tại Hà Nội

Sơn đã bắt đầu tìm hiểu về Origami từ năm lớp 12, vào khoảng năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã tạo ra gần 30 tác phẩm Origami rất công phu và bắt mắt.

“Tình cờ là tôi có đọc một bộ truyện tranh tên là Hiệp sĩ giấy và bộ truyện đó có hướng dẫn gấp Origami. Lúc đó tôi thấy thú vị nên mới gấp theo rồi lên mạng tìm hiểu về môn nghệ thuật này. Dần về sau thấy hay quá nên theo đuổi đến bây giờ luôn”, Sơn nói.

Hải mã (kích thước giấy 50cmx50cm) lấy cảm hứng từ loài Hippocampus trong thần thoại Hy Lạp và kelpie trong thần thoại Bắc Âu.

Hải mã (kích thước giấy 50cmx50cm) lấy cảm hứng từ loài Hippocampus trong thần thoại Hy Lạp và kelpie trong thần thoại Bắc Âu.

Sơn cho biết, nghệ thuật Origami đã có ở Nhật Bản từ năm 1880. Bộ môn này bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào khoảng năm 2014, tuy nhiên Origami ở Việt Nam chỉ mới ở mức là những hội nhóm nhỏ lẻ, chứ chưa có tổ chức gì chuyên sâu.

Origami được thể hiện qua nhiều hình thức, người chơi có thể gấp từ nhiều tờ giấy khác nhau hoặc 1 tờ giấy tùy thích để tạo ra hình mẫu mình mong muốn. Riêng Sơn, anh gấp bằng 1 tờ giấy vuông mà không cắt, không dán.

Tác phẩm kỳ lân (kích thước giấy 50cmx50cm) lấy hình tượng kỳ lân Châu Á trong tứ linh long, lân, quy phụng

Tác phẩm kỳ lân (kích thước giấy 50cmx50cm) lấy hình tượng kỳ lân Châu Á trong tứ linh long, lân, quy phụng

“Cái hay nhất của Origami là mình có thể tạo được tác phẩm nghệ thuật từ một tờ giấy vuông, đặc biệt là theo nguyên tắc truyền thống thì người chơi chỉ dùng một giấy không cắt không dán để tạo ra mô hình. Một con rồng có đầy đủ các chi tiết gồm vảy, tóc, sừng… đều nằm trên một tờ giấy”, Sơn chia sẻ.

Chất liệu chính mà Sơn sử dụng là giấy dó của Việt Nam. Đây là loại giấy thường được dùng để vẽ tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Sơn chọn loại giấy này là vì ở Việt Nam chưa có loại giấy chuyên gấp Origami, những loại giấy thủ công thông thường thì chỉ có thể gấp những mẫu đơn giản chứ không đáp ứng được độ phức tạp của những tác phẩm Origami, rất dễ rách và không thể tạo hình đẹp.

Chất liệu chính mà Sơn sử dụng là giấy dó của Việt Nam

Chất liệu chính mà Sơn sử dụng là giấy dó của Việt Nam

“Sau khi thử qua nhiều loại giấy, một hôm tôi có dịp đi tham quan Văn Miếu, nhìn thấy thầy đồ dùng giấy dó vẽ chữ, nét mực ngấm vào giấy rất đẹp nên tôi quyết định tìm hiểu về giấy dó, mua về dùng thử và thấy rất thích hợp”, Sơn nói.

Giấy dó có đặc điểm rất dai, dễ ăn màu, để lâu không hỏng. Về cơ bản, giấy dó gốc chỉ có màu cơ bản là màu trắng, rất mềm, chỉ dùng để vẽ nên khi mua về, Sơn phải tự nhuộm màu, lên hồ, keo để giấy cứng và dai hơn.

Mẫu Đức Phật Thích Ca gồm tượng đức phật, hào quang và hoa sen đều gấp trên 1 tờ giấy

Mẫu Đức Phật Thích Ca gồm tượng đức phật, hào quang và hoa sen đều gấp trên 1 tờ giấy

Để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, trước tiên Sơn phải tìm hiểu hình mẫu 3D của đối tượng mà mình muốn gấp, nghiên cứu xem nó có những đặc điểm gì, sau đó phác thảo ra giấy. Anh thường lấy ý tưởng gấp giấy từ phim, truyện thần thoại Hy Lạc, Bắc Âu. Từ các nhân vật thần thoại hoặc những con rồng, linh vật thời xưa.

“Mình sẽ lên mạng xem mẫu 3D của đối tượng rồi trải nó thành 2D trên giấy vuông, xác định đâu là phần đầu, đuôi, cánh… của đối tượng. Như một kỹ sư thiết kế nhà thì trên bản vẽ của họ thể hiện đâu là phần mái nhà, phần móng… Origami cũng tương tự như thế”, anh chia sẻ.

Sơn thường lấy ý tưởng gấp giấy từ phim, truyện thần thoại Hy Lạc, Bắc Âu

Sơn thường lấy ý tưởng gấp giấy từ phim, truyện thần thoại Hy Lạc, Bắc Âu

Các bộ phận sẽ được phân bổ trên tờ giấy vuông sao cho khi gấp lại sẽ thành một tác phẩm hoàn thiện. Giai đoạn thiết kế mất từ 1-2 tuần, Sơn còn dùng các phần mềm như Corel Draw hoặc Adobe Photoshop để hỗ trợ cho quá trình thiết kế mẫu.

Empty

Khi đã thiết kế xong Sơn sẽ tiến hành gấp nháp từng phần trước để xem định hình tỉ lệ đã ổn chưa rồi điều chỉnh cho phù hợp , sau đó mới bắt đầu gấp chính thức.

“Trong quá trình gấp thì mình phải cân đối làm sao cho ra tất cả những bộ phận, chi tiết theo ý mình mong muốn. Thường thì trải qua khoảng 5,6 mẫu gấp hỏng, đến mẫu thứ 7 hoặc 8 thì tôi mới thành công. Thời gian cho tất cả công đoạn trên là khoảng 1-2 tháng, tùy theo độ phức tạp của mẫu”, anh nói thêm.

Các tác phẩm của anh Sơn được trưng bày ở các triển lãm trong và ngoài nước

Các tác phẩm của anh Sơn được trưng bày ở các triển lãm trong và ngoài nước

Hầu như các tác phẩm mà mình làm ra, Sơn đều gửi đến các cuộc thi quốc tế hoặc tham gia trưng bày tại các triển lãm. Đôi lúc, có nhiều khách hàng trên khắp thế giới cũng biết đến và đặt mua tác phẩm của anh. Một tác phẩm mà Sơn làm ra được bán với giá từ 150-300 đô la, tùy theo độ phức tạp của nó.

Sơn cho biết, tác phẩm anh thích nhất là rồng Châu Âu gấp bằng giấy vuông có kích thước 1mx1m. Đây cũng là tác phẩm có kích thước lớn nhất mà anh từng gấp, phải mất hơn 2 tháng, trải qua nhiều lần gấp hỏng, anh mới hoàn thiện tác phẩm đó.

Tác phẩm rồng Châu Âu gấp bằng giấy vuông 1mx1m

Tác phẩm rồng Châu Âu gấp bằng giấy vuông 1mx1m

Năm 2016, Sơn đạt giải nhì cuộc thi gấp giấy Global Creative Jongie Jupgi Contest của Bảo tàng Jong le Nara (Hàn Quốc). Đến năm 2017, anh còn tham gia đóng góp trưng bày mẫu tại bảo tàng giáo dục origami Zaragoza, Tây Ban Nha (Escuela Museo Origami Zaragoza – EMOZ)

Tháng 4/2020, Sơn mở lớp dạy Origami ở Hà Nội cho trẻ từ 3-12 tuổi, nhằm giúp các em rèn luyên tính tỉ mỉ, niềm yêu thích tìm hiểu nghệ thuật thông qua Origami. Ngoài ra, Sơn còn cộng tác cho một trung tâm dạy tiếng Nhật để hướng dẫn Origami cho các em vào ngày chủ nhật.

Bằng những tác phẩm độc đáo của mình, Sơn gặt hái được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi lớn

Bằng những tác phẩm độc đáo của mình, Sơn gặt hái được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi lớn

“Tôi và các bạn thành viên trong hội, nhóm Origami đang ấp ủ dự án viết sách để chia sẻ những kiến thức, những tác phẩm về môn nghệ thuật này”, anh chia sẻ.

Bài, ảnh: Thuý Vy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chàng trai 'hô biến' mảnh giấy vuông thành mô hình con vật công phu bán với giá hàng trăm USD
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO