Chất lượng không khí ở Hà Nội rất xấu, bầu trời mù đặc
(CLO) Những ngày gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội luôn ở mức cao, các chỉ số chất lượng không khí AQI phổ biến ở ngưỡng rất xấu và nguy hại.
Theo ứng dụng AirVisual xếp Hà Nội ô nhiễm thứ 4 thế giới trong sáng nay 30/11, trong khi đó ngày hôm qua 29/11, Hà Nội cũng được xếp hạng ô nhiễm thứ hai thế giới.

Đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất ở Hà Nội này đã diễn ra trong nhiều ngày qua với xu thế ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngày hôm qua 29/11, IQAir xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ 2 thế giới với chỉ số AQI trung bình 229 đơn vị, đứng sau Lahore (Pakistan) với 414 đơn vị. Còn hôm nay 30/11, Hà Nội đứng thứ 4 thế giới với chỉ số AQI trung bình 197 đơn vị.
Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người.
Hôm nay, tại khu vực phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội); Ciputra, Tây Hồ; Đường Hoàng Quốc Việt; Khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Hoàn Kiếm. chất lượng không khí ghi nhận được ở ngưỡng rất xấu với chỉ số AQI phổ biến từ 200-300.
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã diễn ra hơn 1 tuần nay. Các chuyên gia dự báo, những ngày ô nhiễm sẽ còn kéo dài bởi đây mới là giai đoạn đầu mùa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ giảm khi có mưa, bão, gió mạnh. Ngoài ra, nếu gió mùa đông bắc tràn về cũng sẽ thổi khói bụi đi.

Các tòa nhà cao tầng mờ mịt vào buổi sáng.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi ra ngoài ở môi trường ô nhiễm không khí, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo kín, khẩu trang; vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng và tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế đun nấu bằng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ và thay bằng bếp điện hoặc bếp gas. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.