Châu Âu đang cấm 'hộ chiếu vàng' nhưng người Mỹ giàu có vẫn có những lựa chọn khác
(CLO) Châu Âu đóng sập cánh cửa “hộ chiếu vàng”, nhưng New Zealand nhanh chóng mở ra lối đi mới, thu hút giới giàu Mỹ với chính sách visa nới lỏng và yêu cầu đầu tư từ 2,5 triệu USD.
Trong bối cảnh châu Âu ngày càng siết chặt các chương trình nhập cư thông qua đầu tư, New Zealand lại đang mở rộng cơ hội để đón nhận dòng vốn từ người nước ngoài giàu có.

Liên minh Châu Âu (EU) vừa đưa ra một phán quyết quan trọng trong tuần này, chính thức cấm các chương trình "hộ chiếu vàng". Đây là những chương trình cho phép người nước ngoài giàu có chi tiền để nhận quốc tịch nhanh chóng.
Trước đây, các chương trình này rất được ưa chuộng bởi giới thượng lưu Mỹ, đặc biệt là những người muốn tìm lối thoát khỏi tình hình chính trị đầy bất ổn tại quê nhà.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực di cư đầu tư, những cá nhân sở hữu tài sản lớn vẫn có thể tìm thấy nhiều lựa chọn thay thế bên ngoài châu Âu để thực hiện kế hoạch dự phòng.
Trong khi nhiều quốc gia châu Âu dần khép lại cánh cửa, New Zealand lại chủ động mở rộng cơ hội
Chính phủ nước này kỳ vọng dòng vốn từ các nhà đầu tư giàu có sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính mà quốc gia đang đối mặt. Đầu năm nay, New Zealand công bố kế hoạch nới lỏng các quy định của chương trình visa Active Investor Plus để thu hút thêm nhà đầu tư.
Những thay đổi đáng chú ý bao gồm việc bỏ yêu cầu về trình độ tiếng Anh, mở rộng danh mục đầu tư đủ điều kiện và giảm thời gian tối thiểu mà nhà đầu tư phải lưu trú tại đây.
Theo Greener Pastures New Zealand, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhập cư và nhập tịch, những điều chỉnh này đã có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 và nhanh chóng tạo ra sức hút lớn.
Với vị trí địa lý biệt lập, vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời cùng chính sách thuế ưu đãi (không áp dụng thuế thu nhập vốn, thuế bất động sản hay thuế tài sản) New Zealand từ lâu đã trở thành điểm đến mơ ước của người Mỹ giàu có, đặc biệt là giới doanh nhân tại Thung lũng Silicon.
Để tham gia chương trình, các nhà đầu tư thường cần bỏ ra từ 2,5 đến 5 triệu USD, đồng thời cam kết lưu trú tại New Zealand trong một khoảng thời gian nhất định. Họ cũng phải duy trì khoản đầu tư trong nhiều năm để đáp ứng điều kiện.
Ông Dominic Jones, Giám đốc Điều hành của Greener Pastures New Zealand, tiết lộ rằng khoảng 40% yêu cầu tư vấn mà công ty nhận được đến từ các nhà đầu tư Mỹ. Nhiều người trong số họ chia sẻ rằng sự bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ chính là động lực lớn thúc đẩy quyết định này.
"Chương trình visa này mang lại giá trị to lớn cho New Zealand. Là một quốc gia nhỏ, chúng tôi thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn, cả về tài chính lẫn nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Jones chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Fortune đầu năm nay.
"Việc thu hút những người thành công và giàu có đến đây sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực cho đất nước".
Châu Âu xem xét lại chính sách cư trú
Quyết định cấm "hộ chiếu vàng" của tòa án cấp cao EU xuất phát từ chương trình tại Malta - quốc gia duy nhất trong khối còn duy trì con đường cấp quốc tịch nhanh chóng thông qua đầu tư. Trước đó, Bulgaria và Cyprus cũng từng triển khai các chương trình tương tự nhưng đã tự chấm dứt.
Dù vậy, nhiều quốc gia khác như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vẫn duy trì chương trình cư trú thông qua đầu tư, thường yêu cầu người nước ngoài mua bất động sản để đủ điều kiện.
Dù không mang lại đầy đủ quyền lợi như quốc tịch, cư trú vẫn giúp người giàu dễ dàng di chuyển đến quốc gia họ đầu tư và trong toàn khối EU. Điều này đặc biệt hấp dẫn với giới tinh hoa yêu thích tự do đi lại và những người nghỉ hưu mong muốn tìm một nơi an cư mới ngoài Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các tổ chức chống tham nhũng đã chỉ ra rằng việc "bán" quốc tịch hay cư trú đôi khi thu hút cả những yếu tố không mong muốn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng việc nhà đầu tư giàu có ồ ạt mua bất động sản tại các thành phố lớn đã đẩy giá nhà tăng chóng mặt, khiến người dân địa phương khó lòng sở hữu nhà ở.
Trước những thách thức này, nhiều quốc gia đã quyết định thu hẹp hoặc chấm dứt chương trình của mình. Tây Ban Nha chính thức dừng chương trình visa vàng từ ngày 3 tháng 4, trong khi Ireland và Hà Lan đã hành động tương tự từ trước. Hy Lạp cũng đang lên kế hoạch thắt chặt quy định.
Năm 2023, Bồ Đào Nha loại bỏ bất động sản khỏi danh mục đầu tư đủ điều kiện để cấp cư trú. Ngược lại, Hungary từng khởi động lại chương trình visa vàng vào năm ngoái, nhưng đến đầu năm 2025, nước này cũng bỏ đi lựa chọn đầu tư bất động sản.
So với cư trú, các chương trình quốc tịch thông qua đầu tư hiếm hơn nhiều. Theo Henley & Partners, một công ty tư vấn đầu tư nhập cư toàn cầu, chương trình của Malta từng được xem là "tiêu chuẩn vàng".
Ngoài châu Âu, những điểm đến như Grenada, Antigua và Barbuda, cùng Dominica đang nổi lên là lựa chọn phổ biến cho những ai muốn sở hữu quốc tịch thứ hai.