Châu Âu muốn có mạng lưới đường sắt cao tốc để thay thế máy bay

09/07/2022 19:49

(CLO) Bữa sáng ở Paris, bữa trưa ở Frankfurt và bữa tối ở Vienna, đó là viễn cảnh mà nhiều người châu Âu đã mơ tưởng.

Hãy tưởng tượng một mạng lưới các chuyến tàu hiện đại, siêu nhanh và thoải mái chạy giữa mọi thành phố lớn trong Liên minh châu Âu, cung cấp một giải pháp thay thế đáng tin cậy, thoải mái và bền vững cho việc di chuyển bằng đường hàng không.

chau au muon co mang luoi duong sat cao toc de thay the may bay hinh 1

Ảnh minh họa: CNN

Bài liên quan

Nga sẽ tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu với một điều kiện

Giá khí đốt ở châu Âu sẽ không ngừng tăng vọt

Giá điện châu Âu đạt mức cao mới sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt

Khủng hoảng nước ở châu Âu: Biến đổi khí hậu đang gõ cửa!

Đó là tầm nhìn được các nhà lãnh đạo ngành đường sắt ở Lyon, Pháp, vạch ra hồi cuối tháng trước, trong bối cảnh châu Âu có kế hoạch tăng gấp đôi mức sử dụng đường sắt cao tốc vào năm 2030 và gấp ba mức hiện tại vào năm 2050.

Chỉ có một mạng lưới tốc độ cao được mở rộng quy mô lớn mới có thể đạt được những mục tiêu cực kỳ tham vọng này, nhưng liệu chúng có phải là một đề xuất thực tế và hợp túi tiền?

Không giống như nhiều nơi trên thế giới, châu Âu đã có hàng nghìn km đường sắt cao tốc chuyên dụng.

Các TGV nổi tiếng thế giới của Pháp, ICE của Đức và AVE của Tây Ban Nha đã thay đổi hoạt động du lịch đường sắt trong 40 năm qua, nhưng họ vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.

Điều đó không có gì ngạc nhiên. Khi các quốc gia đang đầu tư hàng tỷ euro vào cơ sở hạ tầng mới, áp lực chính trị khiến họ phải tối đa hoá lợi ích cho những người dân của mình.

Việc xây dựng các tuyến đường sắt xuyên biên giới quốc tế, ngay cả trong Liên minh châu Âu, tạo ra những tranh chấp về việc ai trả tiền cho cái gì, cách thức phân bổ các hợp đồng, mâu thuẫn với các tiêu chuẩn và quy định quốc gia và một loạt các trở ngại khác.

Ngay cả khi các tuyến đường sắt cao tốc quốc tế đã được xây dựng, thì bộ máy hành chính ngột ngạt và phí sử dụng cao đang ngăn cản một số tuyến đường phát huy hết tiềm năng của chúng.

Những nơi khác, chẳng hạn như tuyến Paris-London qua Channel Tunnel và Paris-Brussels-Amsterdam/Cologne thành công hơn nhưng vẫn có khả năng thu hút nhiều hành khách hơn.

Giờ đây, một cơ quan của các tổ chức châu Âu đã cam kết thực hiện một nghiên cứu mới nêu bật nhiều lợi ích của mạng lưới đường sắt tốc độ cao được mở rộng kết nối các thủ đô quốc gia và các thành phố lớn.

Họ sẽ bao gồm các thành viên từ Ủy ban châu Âu, Cộng đồng Đường sắt châu Âu, Ngành Cung cấp Đường sắt châu Âu và ALLRAIL, đại diện cho các đường sắt không thuộc sở hữu nhà nước.

Quan trọng nhất, nhóm sẽ điều tra cách thanh toán cho hàng chục nghìn km đường ray mới và cách thức chuyển đổi triệt để mạng lưới đường sắt của lục địa này có thể giúp EU thực hiện mục tiêu "Thỏa thuận xanh" về trung hòa carbon vào năm 2050.

Ông Alberto Mazzola, giám đốc điều hành của Cộng đồng Đường sắt châu Âu nói rằng tập đoàn này muốn có một "kế hoạch tổng thể" cho thấy những lợi ích kinh tế xã hội của các liên kết tốc độ cao giữa các thành phố lớn của lục địa này.

"Trong khi đã đạt được rất nhiều điều cho đến nay thì các tuyến đường sắt như Paris-Lyon, Milan-Rome, Barcelona-Madrid và Berlin-Munich vẩn chỉ là những câu chuyện thành công của từng quốc gia. Còn cần nhiều hơn nữa nếu muốn đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Thỏa thuận Xanh và Thông minh châu Âu", ông nói.

Việc đạt được thỏa thuận về việc ưu tiên các tuyến đường nào, thành phố nào sẽ được hưởng lợi (và tuyến đường nào sẽ bị bỏ sót) sẽ gây ra những tranh cãi gay gắt.

Với hình dạng của mạng lưới cuối cùng có thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trong tương lai của châu Âu và các thành phố của nó trong vòng 100 năm tới, các thành phố sẽ làm mọi cách để đưa ra yêu sách của mình.

Trong khi một số quan chức EU ca ngợi các đề xuất này là tương lai của du lịch bền vững ở châu Âu, với điều kiện các nhà khai thác có thể thực hiện nó hiệu quả và tiết kiệm chi phí, những người khác lại đưa ra những lưu ý thận trọng hơn.

Ông Jon Worth, một nhà vận động cho đường sắt xuyên biên giới, cho biết: "Cho đến khi tôi nhìn thấy các dự án cụ thể thực sự, đơn đặt hàng đầu máy và thời gian biểu, tôi sẽ bảo lưu ý kiến của mình".

Tuy nhiên, Pháp, Tây Ban Nha và Ý đã thiết lập tốt mạng lưới đường sắt tốc độ cao nối các thành phố lớn nhất của họ, cùng với nhiều tuyến hơn đã được lên kế hoạch hoặc đang xây dựng.

Hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho đến nay, Pháp đã đầu tư vào các liên kết mới với các nước láng giềng, xây dựng các đường bay quốc tế đến Bỉ, Anh, Đức và Tây Ban Nha.

Tuyến đường Lyon-Turin hiện đang được xây dựng, gây tranh cãi vì tác động môi trường và các câu hỏi về tính xác thực tài chính.

Quốc Thiên (Theo CNN)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Châu Âu muốn có mạng lưới đường sắt cao tốc để thay thế máy bay
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO