Châu Âu muốn dẫn đầu thế giới về xe điện nhưng các nhà sản xuất ô tô của họ không thể theo kịp
(CLO) Châu Âu đặt mục tiêu cấm xe xăng vào 2035, nhưng với doanh số xe điện giảm 1,7% năm nay, liệu tham vọng dẫn đầu có thành hiện thực?
Sự thiếu vắng các dòng xe điện giá rẻ và phụ thuộc vào động cơ đốt trong đang đe dọa kế hoạch cấm xe chạy xăng mới của châu Âu vào năm 2035. Tháng 11 vừa qua, tin tức công ty sản xuất pin điện Northvolt của Thụy Điển tuyên bố phá sản đã để lại một bức tranh ảm đạm về triển vọng phát triển xe điện sạch tại châu Âu.

Tại một xưởng sản xuất xe của châu Âu. Ảnh: Leonhard Simon
Northvolt từng được ca ngợi là niềm hy vọng lớn nhất của châu lục trong việc sản xuất pin với giá cả phải chăng ngay trên sân nhà, thay vì phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia và nhiều nhân vật trong ngành tỏ ra nghi ngờ về khả năng châu Âu có thể tự sản xuất xe điện một cách tự chủ.
Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra mốc thời gian đến năm 2035 để chấm dứt việc bán xe chạy xăng mới trên toàn khu vực. Tại Anh, chính phủ Đảng Lao động thậm chí đã rút ngắn hạn chót này xuống năm 2030.
Với lịch sử lâu đời trong ngành công nghiệp ô tô cùng các mục tiêu môi trường được xác định rõ ràng, châu Âu dường như có mọi điều kiện để trở thành người dẫn đầu trong cuộc cách mạng chuyển đổi sang xe điện toàn cầu. Thế nhưng, thực tế lại không như kỳ vọng.
Các tập đoàn ô tô lớn như BMW, Volkswagen (VW), và Renault đang chật vật theo kịp các đối thủ Trung Quốc trong việc sản xuất xe điện hiệu quả và giá rẻ. Trong khi mẫu xe BYD Seagull chỉ có giá khoảng 10.000 USD tại Trung Quốc, giá trung bình của một chiếc xe điện mới ở Đức lên tới 52.700 euro.
Không chỉ vậy, sự đón nhận xe điện tại châu Âu vẫn còn khá hạn chế, đặt ra nghi vấn liệu mục tiêu năm 2035 có thể đạt được. Nhiều nhà sản xuất ô tô và thậm chí chính phủ Ý đã đề nghị EU điều chỉnh hoặc trì hoãn mục tiêu này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2023, khoảng 50% số xe điện trên toàn thế giới lưu thông tại Trung Quốc. Trong khi đó, tại châu Âu, doanh số xe điện giảm 1,7% do các chính phủ rút bớt trợ cấp và ưu đãi.
Châu Âu hụt hơi, Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ
Sự thành công của Trung Quốc không chỉ đến từ việc sản xuất xe điện giá rẻ mà còn nhờ chiến lược tập trung toàn lực vào công nghệ pin từ sớm. Theo ông Carl-Friedrich Elmer, chuyên gia tại Viện nghiên cứu giao thông bền vững Agora Verkehrswende, các nhà sản xuất Trung Quốc không bị ràng buộc bởi lịch sử động cơ đốt trong, cho phép họ dồn toàn bộ nguồn lực cho xe điện mà không phải phân tâm.
Ngoài ra, ngành công nghiệp điện tử rộng lớn của Trung Quốc đã giúp nước này chiếm lợi thế trong công nghệ pin. Ngay từ năm 2002, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra tiềm năng của xe điện và đưa ra các chính sách trợ giá mạnh mẽ, giúp các startup như NIO và Xpeng nhanh chóng trở thành những thương hiệu quen thuộc.
Một yếu tố khác góp phần vào thành công của Trung Quốc là việc chuyển sang sử dụng pin lithium sắt phosphate (LFP). Dù có mật độ năng lượng thấp hơn pin lithium nickel mangan cobalt mà các công ty phương Tây ưa chuộng, LFP lại an toàn và rẻ hơn, giúp hạ giá thành sản xuất.
Cuộc đua vẫn còn nhiều rào cản
Trong khi châu Âu chật vật, các tranh cãi giữa nhà sản xuất ô tô và giới hoạch định chính sách càng làm phức tạp vấn đề. Đại diện BMW cho rằng, nếu cơ sở hạ tầng sạc, nguồn năng lượng tái tạo và nguyên liệu thô không được đảm bảo, lệnh cấm sẽ gây ra sự thu hẹp thị trường ô tô, đẩy kinh tế châu Âu vào nguy cơ suy thoái.
Volkswagen gần đây đã công bố kế hoạch đóng cửa ít nhất ba nhà máy do doanh số thấp, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế của Đức. Trong bối cảnh đó, đảng cực hữu "Sự lựa chọn thay thế cho Đức" (AfD) đã tận dụng tình hình để kêu gọi hủy bỏ lệnh cấm động cơ đốt trong, lấy lý do chính sách môi trường gây tổn hại kinh tế.
Chuyên gia Beatrix Keim từ Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR) nhận định, niềm tin của người tiêu dùng vào xe điện vẫn chưa đủ lớn. “Giá xe quá cao, người dân lo ngại về độ an toàn của pin cũng như chi phí sạc điện”, bà nói. Để thay đổi tình hình, cả chính phủ và doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra các chính sách giá ưu đãi hoặc giảm giá xe.
Nỗ lực và hy vọng
Trước áp lực cạnh tranh, một số hãng xe châu Âu đã đề xuất sử dụng nhiên liệu “sạch” để duy trì động cơ đốt trong sau năm 2035. Đức đã vận động thành công để xe chạy bằng e-fuel được miễn trừ khỏi lệnh cấm. Tuy nhiên, e-fuel vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và bị nhiều chuyên gia chỉ trích vì chi phí cao và hiệu suất thấp.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan rằng mục tiêu năm 2035 có thể đạt được. Volkswagen dự kiến sẽ ra mắt các mẫu xe ID.1 và ID.2 với giá thành hợp lý hơn trong vài năm tới, mang lại hy vọng về sự bứt phá cho ngành công nghiệp xe điện châu Âu.
Tuy nhiên, những cuộc tranh luận về thời hạn lệnh cấm vẫn tiếp diễn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen gần đây đã phải nhượng bộ trước áp lực từ các cuộc biểu tình của nông dân, làm dấy lên câu hỏi liệu bà có cứng rắn với các mục tiêu môi trường khác hay không nếu ngành công nghiệp ô tô phản ứng tương tự.
“Tôi tin rằng việc lùi thời hạn sẽ gửi thông điệp sai lầm đến người tiêu dùng”, bà Keim nhấn mạnh. “Những mục tiêu này đã được biết đến từ lâu và chúng ta không nên chần chừ”.
Hải Hà (Theo Wired)