Châu Âu trước sức ép từ hàng hóa của cả Trung Quốc lẫn Mỹ
(CLO) Bên cạnh việc bị đẩy vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) còn đang đứng trước nguy cơ bị hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào lục địa này.
Tại cuộc họp hôm 7/4 giữa các bộ trưởng EU nhằm tìm cách đối phó với tình hình, các quan chức cảnh báo châu Âu đang bị đe dọa từ cả hai phía: trực tiếp từ các đòn thuế của Mỹ và gián tiếp từ làn sóng hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ chặn lại, giờ có thể tràn sang châu Âu như một đường thoát hàng.
Với các mức thuế của ông Trump có thể ảnh hưởng đến 70% tổng lượng xuất khẩu của EU sang Mỹ – tương đương khoảng 370 tỷ euro (405 tỷ USD) – các nền kinh tế lớn trong khối đang đối mặt với viễn cảnh thiệt hại nghiêm trọng.
Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin kêu gọi: "Chúng ta cần cân bằng lại quan hệ thương mại với Trung Quốc sao cho phù hợp với lợi ích công nghiệp, an ninh kinh tế và chương trình khí hậu của EU". Ông nhấn mạnh châu Âu cần hành động quyết đoán trước tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến đang căng như dây đàn.
Dù EU đã tổ chức các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tháng trước, Ủy viên Thương mại Maros Sefcovic thừa nhận "kết quả cụ thể vẫn còn xa vời". Ông tiết lộ hai bên sẽ nối lại đàm phán về cơ chế "cam kết giá" đối với xe điện – ý tưởng đặt mức giá tối thiểu cho xe điện Trung Quốc nhập khẩu để đổi lấy việc giảm thuế, nhưng chưa từng đạt được thỏa thuận nào.

Ủy viên Thương mại Maros Sefcovic. Ảnh: X/MarosSefcovic
Giữa lúc căng thẳng dâng cao, một số ý kiến cho rằng mối quan hệ rạn nứt giữa EU và Mỹ có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc thắt chặt quan hệ với châu Âu. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của EU nhanh chóng bác bỏ giả thuyết này.
Không chỉ mâu thuẫn trong cách tiếp cận với Trung Quốc, EU cũng chia rẽ nội bộ về phản ứng đối với ông Trump. Một cuộc tranh cãi đang nổ ra quanh việc có nên kích hoạt "bazooka thương mại" – tức công cụ chống cưỡng ép (ACI), cho phép EU trả đũa Mỹ bằng cách chặn các công ty công nghệ khỏi thị trường EU.
Đức, Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ dùng ACI. Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck gay gắt gọi chính sách thuế của Mỹ là "vô nghĩa", đồng thời kêu gọi EU hành động cứng rắn và quyết đoán. "Nước Mỹ đang yếu thế", ông nói trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Âu đỏ lửa khi mở phiên đầu tuần.
Trái lại, các nước như Ireland, Ý và Litva lại kêu gọi thận trọng. Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Harris cho rằng việc sử dụng ACI lúc này là "không phù hợp" vì có thể kích động các đòn trả đũa dữ dội từ Washington.
EU sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 9/4 về một gói biện pháp đáp trả các mức thuế của Mỹ đối với thép và nhôm, nhưng chưa có hành động cụ thể nào liên quan đến thuế ô tô hay "thuế quan có đi có lại" mà ông Trump vừa công bố tuần trước.
Hôm 7/4, ông Trump cũng tiếp tục đe dọa rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung 50% nếu không hủy bỏ thuế trả đũa 34% mà Bắc Kinh vừa áp lên toàn bộ hàng hóa Mỹ.
Về phía EU, ông Sefcovic xác nhận khối này từng đề xuất một thỏa thuận "zero-zero" với Mỹ – tức cùng dỡ bỏ toàn bộ thuế với hàng hóa công nghiệp – nhưng đề xuất này bị ông Trump bác bỏ.
"Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó với ô tô, hóa chất, dược phẩm, nhựa, máy móc – tất cả", ông nói, nhấn mạnh EU muốn tránh leo thang nhưng sẽ không ngồi yên nếu bị ép vào đường cùng.
Ngọc Ánh (theo SCMP, Reuters, Euronews)