'Chạy đua' với 2 tiết/tuần: Thầy trò loay hoay ôn thi dưới sức ép Thông tư 29
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT 2025 đang đến rất gần. Thế nhưng, việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT – quy định mỗi môn học trong nhà trường chỉ được dạy thêm không quá 2 tiết/tuần – đang khiến nhiều giáo viên và học sinh rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Khi 2 tiết/tuần là không đủ
Theo Thông tư 29, chỉ có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường: học sinh yếu kém, học sinh giỏi được bồi dưỡng, và học sinh cuối cấp có nhu cầu ôn thi. Đặc biệt, mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần. Quy định này được kỳ vọng góp phần giảm áp lực học hành, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều thầy cô giáo khẳng định: 2 tiết học thêm mỗi tuần là không đủ để đảm bảo chất lượng ôn tập – nhất là trong bối cảnh các kỳ thi đang cận kề và kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo chương trình mới.
Cô Trần Hà, giáo viên môn Sử tại một trường THCS ở Thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Mỗi tuần dạy thêm 2 tiết, cùng lắm chỉ giải được 1 đề. Từ giờ đến khi thi không còn bao lâu nữa. Giáo viên không có thời gian sửa bài, phản hồi, điều chỉnh – việc ôn luyện vì thế trở nên hình thức”.
Tương tự, cô Thu Hương – giáo viên môn Văn tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên cũng cho biết: “Một tuần 2 tiết thì nhiều nhất chỉ có thể phác thảo dàn ý cho vài đề, không thể đi sâu vào kỹ năng phân tích, diễn đạt hay luyện viết. Không thể chấm, không thể sửa bài, vậy ôn để làm gì?”
Áp lực chuyển sang phụ huynh
Không chỉ giáo viên loay hoay, nhiều phụ huynh cũng đang bối rối. Khi nhà trường dừng tổ chức dạy thêm – hoặc chỉ dạy ở mức hạn chế – phụ huynh buộc phải chạy đôn chạy đáo tìm trung tâm, nhóm học, hay gia sư phù hợp cho con.
Anh Ngọc Sơn, phụ huynh có con học lớp 9 tại Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết: “Con tôi trước đây ôn tập ổn định ngay tại trường, nay trường thông báo dừng hết. Mọi kế hoạch học bị đảo lộn, tôi phải gấp rút tìm chỗ học thêm khác – mà không dễ để tìm được nơi phù hợp cả về chuyên môn lẫn lịch học”.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác lo ngại con em họ bị bỏ lại phía sau, nhất là khi các kỳ thi ngày càng có tính cạnh tranh cao. “Một số em đặt mục tiêu thi vào trường chuyên, trường top đầu – thì rõ ràng 2 tiết/tuần là không đủ để luyện đề, rèn kỹ năng”, hiệu trưởng một trường THCS tại Thành phố Thái Nguyên nói.
Câu chuyện phía sau: Kinh phí và sự lúng túng của nhà trường
Theo Thông tư 29, các lớp học thêm trong trường tổ chức cho học sinh yếu, giỏi, hoặc ôn thi cuối cấp phải miễn phí. Điều này dẫn đến một rào cản lớn: không có kinh phí để duy trì hoạt động.
Nhiều trường buộc phải dừng tổ chức lớp học thêm do không đủ nguồn lực để chi trả cho giáo viên, tổ chức lớp học. Trong khi đó, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng ngân sách nhà nước hoặc các nguồn hợp pháp để bù đắp vẫn chưa rõ ràng. Kết quả là học sinh phải ra ngoài học, cơ sở vật chất trong trường bị bỏ phí, còn giáo viên thì không có điều kiện để hỗ trợ học sinh như trước.
Thầy Phan Đình Thuận – giáo viên với 15 năm trong nghề – thẳng thắn: “Giáo viên dạy miễn phí cũng được một thời gian thôi. Nếu muốn triển khai nghiêm túc và rộng rãi, Bộ cần sớm có hướng dẫn cụ thể về việc chi trả và tổ chức lớp học trong khung quy định”.
Quản lý học thêm: Không thể thiếu nhưng cần linh hoạt
Không thể phủ nhận mục tiêu của Thông tư 29: giảm học thêm tràn lan, tăng tính tự học và nâng cao chất lượng giờ học chính khóa. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế – nhất là trong giai đoạn nước rút của năm học – quy định này lại khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh bị động, lúng túng.
Thầy Hoàng Thanh Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Thái Nguyên) chia sẻ: “Ngay cả với trường điểm trên toàn tỉnh, học sinh giỏi, chúng tôi cũng không thể chủ quan. Năm nay là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo chương trình mới, cần có thời gian ôn luyện kỹ càng. Chỉ 2 tiết/tuần thực sự chưa đáp ứng được”.
Thông tư 29 ra đời với nhiều kỳ vọng và mục tiêu tốt đẹp. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, quy định này cần được điều chỉnh một cách linh hoạt hơn, đặc biệt với học sinh cuối cấp – đối tượng đang phải chịu áp lực thi cử cao nhất. Những phản hồi từ giáo viên, hiệu trưởng và phụ huynh cần được lắng nghe để có những thay đổi phù hợp hơn trong thời gian tới.