Cháy rừng đẩy lượng khí CO2 lên mức cao kỷ lục
(CLO) Cháy rừng toàn cầu năm 2024 đã góp phần làm tăng kỷ lục nồng độ CO2 trong khí quyển, đưa nhân loại đối mặt với thời tiết cực đoan nguy hiểm.
Tại đài Mauna Loa, Hawaii, nồng độ CO2 tăng 3,6ppm lên 427ppm, vượt xa mức tiền công nghiệp 280ppm. Đây là mức tăng cao nhất được ghi nhận kể từ khi phép đo CO2 bắt đầu năm 1958.
El Niño, với thời tiết nóng và khô, làm trầm trọng thêm tình hình, hạn chế khả năng hấp thụ CO2 của thực vật và góp phần vào mức tăng vượt dự đoán.

Cháy rừng đã giải phóng hàng tỷ tấn C02 vào khí quyển vào năm 2024. (Ảnh: GI)
Nhiệt độ toàn cầu cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, gây ra nắng nóng khắc nghiệt, bão, và lũ lụt, ảnh hưởng hàng tỷ người. Lần đầu tiên, hành tinh vượt qua mức tăng nhiệt 1,5°C - mục tiêu quan trọng của Thỏa thuận khí hậu Paris.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres chỉ trích ngành nhiên liệu hóa thạch hưởng lợi lớn từ trợ cấp, trong khi sản phẩm của họ dẫn đến thảm họa, khiến người dân gánh chịu hậu quả qua bảo hiểm, giá thực phẩm và hóa đơn năng lượng cao.
Giáo sư Richard Betts cảnh báo mức tăng CO2 năm 2024 gấp đôi lộ trình cần thiết để giữ mức tăng nhiệt dưới 1,5°C. Dự báo năm 2025 sẽ giảm xuống 2,3ppm, nhờ tác động của La Niña, nhưng vẫn cao hơn mức yêu cầu để đạt mục tiêu khí hậu.
Ông nhấn mạnh, dù vượt qua mục tiêu 1,5°C, mỗi tấn CO2 giảm được sẽ giảm bớt đau khổ cho nhân loại, và các giải pháp đã sẵn có nếu hành động chính trị đủ quyết liệt.
Dù El Niño đã kết thúc, cháy rừng vẫn tiếp diễn ở các khu vực như Mỹ và Canada. Tình trạng khẩn cấp này đòi hỏi nỗ lực toàn cầu để giảm phát thải, hạn chế tác động của khí hậu và đảm bảo một tương lai bền vững hơn.
Hà Trang (theo U.N, The Guardian)