Chế tài xử lý người chống đối, gây nguy hiểm cho CSGT cần đủ sức răn đe

29/05/2024 09:55

(CLO) Cảnh sát giao thông (CSGT) là lực lượng nòng cốt bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Việc chống đối CSGT thi hành công vụ đang diễn ra ngày càng phức tạp, do vậy hành vi này cần phải được xử lý nghiêm khắc.

Những ngày qua liên tiếp xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bỏ chạy, chống đối hiệu lệnh kiểm tra, chửi bới, ném xe, đe dọa, thậm chí tông thẳng xe vào CSGT. Ngoài ra, còn có tình trạng tài xế say xỉn, chống đối kiểm tra nồng độ cồn... những hành vi này nhẹ thì gây thương tích, nặng thì dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.

Theo một số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm qua đã xảy ra hơn 360 vụ chống đối CSGT. Hậu quả khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương. Những hành vi chống đối người thi hành công vụ nói trên đều bị lên án và xử lý. Tuy nhiên, liệu pháp luật và chế tài xử phạt hiện hành có đủ nghiêm khắc để răn đe các hành vi coi thường pháp luật.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định các chế tài xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ, theo đó, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi mà các đối tượng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định pháp luật.

che tai xu ly nguoi chong doi gay nguy hiem cho csgt can du suc ran de hinh 1

Ảnh minh họa

Về xử lý hành chính thì trường hợp người có hành vi chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể theo Điều 21, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể: 

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi: "Môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ".

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng với hành vi: "Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ".

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ”.

Về xử lý trách nhiệm hình sự thì trường hợp người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm khi một người có hành vi chống người thi hành công vụ, quyết định về việc xử lý hình sự sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi, cũng như quy định của pháp luật. Theo Bộ luật Hình sự 2015 quy định người có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hình sự phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm.

Trong trường hợp gây thương tích với người đang thi hành công vụ có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

che tai xu ly nguoi chong doi gay nguy hiem cho csgt can du suc ran de hinh 2

Cần nghiêm trị các hành vi chống đối CSGT.

Bài liên quan

Khánh Hòa: Thanh niên tông trung tá CSGT tử vong âm tính với nồng độ cồn

Nữ tài xế xe tải không chấp hành kiểm tra tải trọng xe, "đôi co" với CSGT

Đồng Nai: Đối tượng vi phạm nồng độ cồn đốt 4 xe máy trên xe tải của CSGT

Mới đây, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trình Quốc hội và sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 26/6, Bộ Công an đề xuất, lực lượng CSGT được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Dự thảo Luật đề xuất nếu người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ, tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy, người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Với những đề xuất mới của dự án Luật, việc xây dựng, ban hành Luật hứa hẹn góp phần củng cố chế tài xử lý người chống đối lực lượng CSGT, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

PV

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chế tài xử lý người chống đối, gây nguy hiểm cho CSGT cần đủ sức răn đe
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO