Xã hội

Chỉ cần hơn 1,6 điểm mỗi môn đã đỗ lớp 10

Hồng Phúc 05/07/2025 15:16

(CLO) “Nếu chạy theo thành tích, các em sẽ không còn cơ hội học tập”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh về mức điểm chuẩn gây tranh cãi ở nhiều trường vùng khó tại tỉnh này.

Ngày 7/5, dư luận bất ngờ khi điểm chuẩn vào lớp 10 tại một số trường THPT công lập ở Khánh Hòa chỉ từ 5 đến 6,5 điểm – tức trung bình mỗi môn thi, học sinh chỉ cần đạt hơn 1,6 điểm là có thể trúng tuyển. Nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng đầu vào và tính công bằng trong tuyển sinh.

Trước thông tin trên, ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Khánh Hòa đã có những phản hồi chính thức với báo chí: “Ở những vùng này, học sinh có tâm lý không muốn đến trường, học lực lại yếu. Nếu ngành giáo dục chạy theo thành tích, không tuyển sinh ở những ngôi trường này thì học sinh tại đây phải di chuyển 20-30km ra xã trung tâm để học, rất xa, vất vả".

Theo công bố của Sở GD&ĐT Khánh Hòa, năm học 2025–2026, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có điểm chuẩn cao nhất tỉnh, dao động từ 35,75 đến 44 điểm (tính cả môn chuyên).

Trong khi đó, các trường tuyển sinh theo phương thức thi tuyển có mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 như sau:
Trường Hà Huy Tập (phường Tây Nha Trang): 16,25 điểm
Phạm Văn Đồng (phường Nha Trang): 16 điểm
Hoàng Văn Thụ (phường Bắc Nha Trang): 15,25 điểm

Ngược lại, một số trường vùng sâu, vùng xa có điểm chuẩn rất thấp:
THPT Nguyễn Du (xã Bắc Ninh Hòa): 5 điểm
Tôn Đức Thắng (xã Nam Ninh Hòa): 6,5 điểm
Tô Văn Ơn (xã Tu Bông): 6,5 điểm
Trần Quý Cáp (phường Đông Ninh Hòa): 6,75 điểm

Với cách tính điểm mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mỗi môn tính theo thang 10, không nhân hệ số, mức điểm 5 đồng nghĩa với việc mỗi môn chỉ cần đạt hơn 1,66 điểm là có thể trúng tuyển (nếu không có điểm ưu tiên hay khuyến khích).

Lý giải việc này, ông Hải cho biết số lượng học sinh dự thi lớp 10 năm nay giảm hơn 3.500 em so với năm trước, dẫn đến nhiều trường thiếu chỉ tiêu. Trong đó, các trường có điểm chuẩn thấp chủ yếu ở vùng khó khăn, nơi học sinh thiếu điều kiện học tập và dễ dàng bỏ học nếu không được tạo điều kiện.

Tại những vùng này cũng không có trung tâm giáo dục thường xuyên, việc hạ điểm chuẩn ở các trường vùng khó khăn nhằm khuyến khích học sinh đến trường, tạo cơ hội được học tập. Đây là yếu tố nhân văn, không chạy theo thành tích”, ông Hải khẳng định.

Thực tế, tại một số xã miền núi thì điều kiện di chuyển đến các trung tâm giáo dục là một thách thức.

Nếu không tuyển sinh, các em phải học xa nhà, ảnh hưởng rất lớn đến việc theo đuổi giáo dục”, ông Hải chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, dù điểm chuẩn đã hạ sâu, nhiều trường ở vùng khó vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu cho thấy bài toán giữ chân học sinh đến trường không chỉ nằm ở điểm số, mà còn cần những chính sách hỗ trợ lâu dài.

Dư luận từng lo ngại điểm chuẩn thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng đầu vào, kéo theo nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Khánh Hòa, mục tiêu lớn nhất là không để học sinh bị bỏ lại phía sau, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, ít cơ hội học tập.

Việc ngành giáo dục không “chạy theo thành tích”, sẵn sàng “đỡ đầu” những học sinh yếu kém để tạo cơ hội, là một bước đi mang tính nhân văn, dù sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học sau đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chỉ cần hơn 1,6 điểm mỗi môn đã đỗ lớp 10
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO