Chỉ thị 20: Gỡ “điểm nghẽn môi trường” - Vấn đề cấp bách đòi hỏi hành động quyết liệt
(NB&CL) Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký được ban hành ngày 12/7/2025 là nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương về môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tuy nhiên, cuộc bàn luận rộng rãi hiện nay về yêu cầu hạn chế xe máy chạy xăng trong vùng lõi Hà Nội là cần thiết và quan trọng nhưng đang phần nào làm lu mờ nội dung khái quát và tinh thần chủ đạo của Chỉ thị 20 về vấn đề môi trường: sức khỏe môi trường là giới hạn của tăng trưởng.
Phá điểm nghẽn, thiết lập kỷ cương môi trường
Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào cuộc khẩn trương, quyết liệt chống ô nhiễm môi trường, với lộ trình rõ ràng, trách nhiệm cụ thể và sự đồng thuận toàn dân.
Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký được ban hành ngày 12/7/2025 là nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương về môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Để quyết sách này đi vào cuộc sống thì một điều hết sức quan trọng là cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng thuận và thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (trong đó có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Bảo vệ môi trường 2020). Nước ta cũng đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn, Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ rõ: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề... Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.
Điểm nổi bật của Chỉ thị số 20/CT-TTg là “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; đề xuất chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về vấn đề ô nhiễm môi trường, giao rõ thời hạn để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, không để chậm trễ, kéo dài, lãng phí (hoàn thành trong quý III/2025).
Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thực hiện từ quý III/2025).

Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể: Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III/2025); đến năm 2030 tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện; lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Tinh thần quyết liệt, khẩn trương, sát sao trong Chỉ thị số 20/CT-TTg thực sự chưa có tiền lệ với mục tiêu rà soát tháo gỡ các “điểm nghẽn”, hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền 2 cấp…
Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách môi trường
Nhằm khắc phục những bất cập trong bảo vệ môi trường, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Các chiến lược, đề án, nhiệm vụ về môi trường phải tuân thủ nguyên tắc “6 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền); ưu tiên nguồn lực để xử lý các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ môi trường do Chính phủ, Thủ tướng giao, đặc biệt là các nhiệm vụ xử lý ô nhiễm trực tiếp. Bộ cũng phải đề xuất giải pháp tháo gỡ đối với nhiệm vụ chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, hoàn thành trong quý III/2025.
Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù để xử lý các vấn đề môi trường cấp bách tại đô thị, làng nghề, lưu vực sông và hệ thống thủy lợi. Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo hướng tăng mức phạt, mở rộng thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo mô hình chính quyền ba cấp. Công an sẽ là lực lượng xử phạt toàn bộ hành vi vi phạm hành chính về môi trường. Các biện pháp xử phạt hành chính như tạm ngừng cung cấp điện, nước sẽ được bổ sung.
Cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện, tích hợp cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia vào Trung tâm dữ liệu quốc gia; trước mắt, hoàn chỉnh hệ thống quan trắc tự động tại các cụm công nghiệp, khu sản xuất, dịch vụ, cơ sở phát thải lớn và chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường để huy động nguồn lực cho phục hồi và xử lý ô nhiễm, hoàn thành trong quý IV/2025.
Nhiều năm qua, Việt Nam nổi lên như một điểm đến sản xuất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào nhiều lợi thế: vị trí địa lý chiến lược, tình hình chính trị - kinh tế ổn định, chi phí lao động thấp, chính sách thu hút FDI cởi mở... Tính đến tháng 6/2024, Việt Nam có 40.544 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 484,77 tỷ USD. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục tăng trưởng 14,5%, trong đó FDI chiếm 73%.
Nhưng mặt trái không khó nhận ra, một trong số đó là cái giá phải trả về môi trường. Từ các tập đoàn đa quốc gia trong ngành điện tử, dệt may, đến các chuỗi sản xuất tiêu dùng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tìm thấy ở Việt Nam một “nơi trú ẩn chi phí thấp”, trong đó có những quy định tương đối lỏng lẻo về môi trường.
Nhiều địa phương ưu tiên tốc độ phát triển công nghiệp hơn là kiểm soát ô nhiễm. Ở không ít khu công nghiệp và làng nghề, tình trạng xả thải không xử lý, sử dụng lén lút nhiên liệu ô nhiễm cao vẫn còn phổ biến. Các hình thức xử phạt nhẹ tay, thiếu cơ chế giám sát độc lập, cùng áp lực giữ chân nhà đầu tư khiến nhiều nơi “làm ngơ” với các vi phạm môi trường.

Điều này tạo ra một lợi thế ngầm: Việt Nam trở thành điểm đến FDI hấp dẫn không chỉ vì lao động rẻ, mà vì chi phí môi trường rẻ - tức khả năng “ngoảnh mặt làm ngơ” với ô nhiễm, tạm thời đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Nhưng đây là công thức gây bất ổn dài hạn.
Số liệu tại tọa đàm “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi tháng 4/2023 cho thấy, chỉ 5% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, 15% sử dụng công nghệ ở mức trung bình và 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu.
Khảo sát trước đó của Phòng nghiên cứu Chính sách PanNature cũng cho thấy, có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép 5-12 lần. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn.
Mô hình tăng trưởng dựa trên chi phí thấp - đặc biệt là chi phí môi trường thấp - đang dần đi đến giới hạn. Chỉ thị 20 yêu cầu các cấp chính quyền “quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường”, siết chặt chế tài xử phạt và giao trách nhiệm cụ thể theo nguyên tắc “6 rõ”. Đây không chỉ là một bước đi hành chính, mà là dấu hiệu rõ ràng của sự thay đổi trong cách Việt Nam định nghĩa về tăng trưởng. Thông điệp chính của Chỉ thị 20: sức khỏe môi trường là giới hạn của tăng trưởng. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, nước sông ở các đô thị lớn, và các điểm nóng môi trường tại làng nghề hay khu công nghiệp... đã vượt ngưỡng chịu đựng. Nếu không có biện pháp mạnh tay, hậu quả về sức khỏe cộng đồng, niềm tin xã hội và năng lực cạnh tranh bền vững sẽ sụp đổ. Đây là thời điểm Việt Nam cần tái định vị chính mình: không còn là thiên đường chi phí thấp. Mô hình “tăng trưởng bằng mọi giá” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhưng không thể là chiến lược dài hạn. Sự bền vững đòi hỏi Việt Nam phải đặt ra giới hạn - và môi trường là một trong những giới hạn đó.
Chỉ thị 20, nếu được thực thi nghiêm túc, có thể trở thành bước ngoặt trong chính sách thu hút FDI: chuyển từ thu hút bằng chi phí thấp sang thu hút bằng chất lượng hạ tầng, ổn định thể chế và môi trường minh bạch.