Chiêm ngưỡng những kỷ vật gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng
(CLO) Những kỷ vật như xe đạp thồ, mũ tai bèo, bản đồ tác chiến… đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, gợi nhớ lại khí thế hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Chiếc xe đạp thồ, với khung sắt thô sơ, từng là phương tiện vận chuyển lương thực, đạn dược quan trọng trên chiến trường. Được gia cố bằng gỗ và sắt, chiếc xe này đã vượt qua nhiều con đường khó khăn, vất vả, trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.


Khẩu pháo mặt đất 105mm, được Mỹ chế tạo và viện trợ cho quân đội Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong trận đánh cứ điểm Nghĩa Lộ (thuộc chiến dịch Tây Bắc) vào ngày 18/10/1952, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, đã thu được khẩu pháo này từ tay địch.
Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu pháo 105mm này được Đại đội 806, Trung đoàn Lựu pháo 45, Đại đoàn 351 sử dụng để bắn vào cứ điểm Him Lam, đánh dấu màn khai hỏa mở đầu chiến dịch quyết định vào ngày 13/3/1954.

Dây chão kéo pháo của Đại đội 804, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, thuộc Đại đoàn Công pháo 351, được sử dụng để kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, đèn bão và máy điện thoại cũng là những công cụ quan trọng được sử dụng tại Sở Chỉ huy Mường Phăng trong năm 1954.

Chiếc máy chữ do Ban Tuyên huấn Mặt trận sử dụng đã góp phần soạn thảo tài liệu, truyền đơn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với đó, những tấm áp phích như "Nêu cao quyết tâm" đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, tiếp lửa niềm tin thắng lợi cho bộ đội nơi chiến trường ác liệt.

Bảo tàng trình chiếu các thước phim tư liệu kết hợp với sa bàn, giúp người xem dễ dàng hình dung và cảm nhận rõ nét về tổng quan chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những hình ảnh sống động này tái hiện lại chiến dịch hào hùng, từ những chiến thuật tài ba đến những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Chỉ huy trưởng chiến dịch, kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng đã cùng Đảng ủy Mặt trận quyết định chuyển phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc", góp phần hạn chế thương vong cho bộ đội, quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc họ phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam.
Hiệp định Giơ-ne-vơ, được ký ngày 20-7-1954 tại Thụy Sỹ, chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của thực dân Pháp và công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức kết thúc chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Sau chiến thắng, tranh cổ động được Ban Tuyên huấn Mặt trận tuyên truyền nhằm khắc họa và tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ. Những tác phẩm này không chỉ là hình ảnh sống động về chiến công vĩ đại mà còn mang thông điệp mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần yêu nước và khẳng định sức mạnh của cuộc kháng chiến.

Nhiều người dân và du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng các kỷ vật gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Các hiện vật như khẩu pháo, xe đạp thồ hay tranh cổ động thu hút sự chú ý, gợi cảm xúc tự hào về một chiến công vĩ đại của dân tộc.