Thế giới 24h

Chiến đấu cơ được 'tái chế' từ hai xác máy bay F-35

Hoài Phương (theo CNN, Business Insider) 10/04/2025 15:53

(CLO) "Frankenjet" – chiến đấu cơ được ghép từ hai máy bay F-35 gặp nạn – đã chính thức được Không quân Mỹ đưa vào hoạt động, sẵn sàng tham chiến sau hơn hai năm tái chế.

Ngày 9/4, Văn phòng Chương trình chung F-35 (JPO) xác nhận "Frankenjet" – chiếc chiến đấu cơ được ghép từ hai chiếc F-35A từng gặp tai nạn – đã hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu sau hơn hai năm rưỡi sửa chữa.

Đây là lần đầu tiên Không quân Mỹ đưa vào hoạt động một chiến đấu cơ được tái tạo theo kiểu "lắp ráp Frankenstein".

untitled(3).png
Máy bay F-35A Lightning II, được mệnh danh là “Frankenjet” và được biên chế cho Phi đoàn tiêm kích 388, trở về Căn cứ Không quân Hill, Utah, vào ngày 26/3. Ảnh: Không quân Mỹ

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi chiếc F-35A mang mã AF-27 gặp sự cố nghiêm trọng về động cơ trong lúc chuẩn bị cất cánh tại Căn cứ Eglin, bang Florida. Một cuộc điều tra cho thấy cánh quạt trong động cơ đã vỡ và xuyên qua nhiều bộ phận, gây cháy và thiêu rụi phần lớn thân sau máy bay.

Tiếp đến, vào ngày 8/6/2020, chiếc F-35A thứ hai, mã AF-211, gặp trục trặc bánh đáp mũi khi hạ cánh tại Căn cứ Hill, bang Utah, khiến phần mũi bị hư hại nặng.

Từ hai xác máy bay trị giá tổng cộng 150 triệu USD, Không quân Mỹ chỉ còn lại phần đuôi của AF-211 và phần mũi của AF-27 là sử dụng được.

Thay vì bỏ đi cả hai, vào năm 2022, các kỹ sư tại Lockheed Martin và Không quân Mỹ quyết định thực hiện một phương án chưa từng có: ghép phần mũi của chiếc này vào phần đuôi của chiếc kia. Quá trình sửa chữa diễn ra tại Căn cứ Hill, sử dụng công cụ và thiết bị chuyên dụng hoàn toàn mới.

untitled(4).png
Nhân viên tại Căn cứ Không quân Hill, Utah, đang định vị lại phần mũi được cứu vớt từ khung máy bay F-35 bằng Hệ thống Bảo dưỡng Mobil mới vào tháng 10/2023. Ảnh: Không quân Mỹ

Đến tháng 1/2025, chiếc Frankenjet thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Hill đến cơ sở của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas. Kỹ sư trưởng Jeffrey Jensen mô tả chuyến bay thành công "như thể nó vừa được lắp ráp từ đầu".

Cuối tháng 3, máy bay quay lại Căn cứ Hill và gia nhập Phi đoàn Tiêm kích 338 – đơn vị ban đầu của chiếc AF-211.

Chi phí phục hồi Frankenjet chỉ là 11,7 triệu USD, tiết kiệm 63 triệu USD so với việc mua mới một chiếc F-35A. Hiện Mỹ đang vận hành 383 máy bay F-35A – phiên bản cất hạ cánh thông thường. Bên cạnh đó, Thủy quân Lục chiến sử dụng F-35B (cất cánh ngắn, hạ cánh thẳng đứng) và Hải quân dùng F-35C (thiết kế cho tàu sân bay).

Theo Lockheed Martin, đã có 17 quốc gia sở hữu hoặc đặt mua dòng máy bay F-35, biến nó trở thành vũ khí chiến lược chủ lực của nhiều nước đồng minh Mỹ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chiến đấu cơ được 'tái chế' từ hai xác máy bay F-35
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO