Chiến dịch Hồ Chí Minh: ‘Bản hùng ca’ hiệp đồng quân - binh chủng và bài học còn mãi!
(CLO) Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh, những bài học về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn, sẽ mãi mãi còn nguyên giá trị.
Trong cuộc đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tham gia 67 trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. 26 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, để nghe vị Tướng hồi tưởng lại thời khắc giải phóng Sài Gòn và chia sẻ về bài học nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử - mùa Xuân 1975.

+ Thưa Thượng tướng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn. Ông có thể chia sẻ những hồi ức sâu đậm nhất trong mùa Xuân toàn thắng năm 1975 – thời khắc không thể nào quên trong cuộc đời người lính?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi đã có 60 năm “tuổi quân” và được vinh dự tham gia 4 chiến dịch lớn là: Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971; Quảng Trị 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tham gia 67 trận đánh, tất cả đều khó quên nhưng có những trận đánh còn vang vọng mãi trong ký ức “tuổi quân”.
Trong đó, có cuộc hành quân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa Xuân 1975.
Còn nhớ, ngày 18/3/1975, lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết thắng, nhận nhiệm vụ đưa cả Trung đoàn hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào tập kết tại Đông Hà (Quảng Trị), dự bị cho Giải phóng Huế và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do sự phát triển của chiến dịch Hồ Chí Minh rất nhanh, chúng tôi được lệnh về Đông Hà, tiếp tục cuộc hành quân theo trục đường Trường Sơn ở phía Đông của Thừa Thiên Huế. Thời điểm đó là mùa khô nên bụi của đất bazan phủ kín lên người, chỉ để lộ ra đôi mắt và sống mũi, đường đi còn bị tắc do có rất nhiều đoàn cùng đi.

Trước tình hình đó, tôi quyết định đưa Đại đội 17 Công binh và Tiểu đoàn 5 khắc phục đường vòng, tiếp tục cuộc hành quân. Đang trong thời khắc khó khăn đó, chúng tôi nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới giải phóng miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!”.
Mệnh lệnh này sau đó được truyền đạt cho tất cả cán bộ, chiến sỹ. Mọi người quên hết mệt nhọc, hành quân suốt 12 ngày đêm vào tập kết ở Đồng Xoài và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngày 26/4/1975, bắt đầu nổ súng tiến công toàn mặt trận. Chúng tôi được lệnh tiến công đánh vượt qua Tân Uyên theo đường đất đỏ qua Bình Chuẩn. Tối 29/4/1975, đơn vị vào tới Búng, cách Lái Thiêu 10km.
.jpg)
Khoảng 19h ngày 29/4, tôi và đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính ủy Trung đoàn, cùng tổ trinh sát gặp một ngôi nhà lá với ánh đèn le lói. Khi ấy, tôi phán đoán đây là cơ sở cách mạng và cùng anh em tiếp cận ngôi nhà, đọc mật khẩu “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh”. Một lát sau có bà má khẽ mở cửa đáp lại “Muôn năm, Muôn năm, Muôn năm”. Vậy là chúng tôi đã “bắt” được liên lạc với cơ sở cách mạng.
Má tên là Sáu Ngẫu, chồng bị địch bắt năm Mậu Thân (1968) rồi bị đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đó. Tôi nhờ má cung cấp thông tin.
Tôi nói: “Con là chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày mai, đơn vị chúng con có nhiệm vụ theo trục đường đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân Ngụy. Nếu má có thông tin thì cung cấp cho chúng con”.

Má không hiểu rõ bản đồ quân sự nên vào buồng lấy ra tấm bản đồ Thành Đô cất giữ từ lâu, trao ngay cho chúng tôi. Má Sáu chỉ tường tận đường đi, các chốt đóng quân, trận địa hỏa lực của địch mà má đã đánh dấu.
Nhờ tấm bản đồ chỉ dẫn của má Sáu, sáng 30/4/1975, trong đội hình của Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1), Trung đoàn 27 theo trục đường 13, nhanh chóng đánh chiếm quận lỵ Lái Thiêu và cầu Vĩnh Bình; tiếp đó, tiến công đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp Ngụy, chiếm 13 căn cứ Lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng y viện cộng hòa...
10h30' ngày 30/4/1975, ba mũi tiến công của Quân đoàn 1 đã gặp nhau ở khu vực cột cờ, trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy. 16h ngày 30/4/1975, các đơn vị của Quân đoàn đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quân đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đã cùng đồng chí, đồng bào thực hiện trọn vẹn lời của Bác trước khi đi xa: “Đánh cho Mỹ cút/ Đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp/ Xuân nào vui hơn!”.
Như đã hứa, sau khi chiến thắng, tôi quay lại tìm và cảm ơn má Sáu. Nhạc sỹ Văn Thành Nho, sau khi nghe tôi kể lại câu chuyện này cũng đã sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao”. Đó là chiến dịch mà dù 50 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in trong trái tim mình.
+ Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - đây là chiến dịch cuối cùng của Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta. Thượng tướng nhìn nhận như thế nào về nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 gồm ba chiến dịch kế tiếp: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực chất, đây là ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong đó, chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đây là chiến dịch đã tận dụng được và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Chiến dịch đó phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về nghệ thuật tác chiến tiến công quân địch bằng chiến dịch hiệp đồng binh chủng. Đó là:
Trước hết, tính kế hoạch cao trong tổ chức hiệp đồng. Cơ sở của công tác tổ chức hiệp đồng là quyết tâm, kế hoạch tác chiến chiến dịch. Kế hoạch tác chiến hiệp đồng binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị chiến trường, theo hướng: đánh lớn, hiệp đồng binh chủng với tốc độ phát triển nhanh trên tất cả các hướng, để tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch có số quân đông và trang bị hiện đại khi thời cơ xuất hiện.

Nội dung chuẩn bị là nghiên cứu kỹ cách đánh; cải tiến vũ khí, trang bị, tăng cường và nâng cao sức cơ động, khả năng đảm bảo hậu cần-kỹ thuật cho các binh đoàn cơ động chiến lược, chiến dịch; tăng cường tiếp tế nhiên liệu, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào chiến trường; xây dựng căn cứ địa và hậu phương tại chỗ ở khắp nơi và tích cực bổ sung nguồn vật chất dự trữ nơi địa bàn cơ động.
Hai là, chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao theo ý định của Tư lệnh chiến dịch, kết hợp với nghệ thuật tổ chức cơ động để tập trung lực lượng ở thời điểm quan trọng, tạo thời cơ bất ngờ.
Đây là nét đặc sắc nổi bật của nghệ thuật chiến dịch, khéo kết hợp các lực lượng, tổ chức cơ động các binh đoàn chủ lực chiến lược với lực lượng vũ trang địa phương tại chỗ được bố trí sẵn và lực lượng cơ động từ xa tới.

Nhờ có nghệ thuật chỉ huy tài giỏi như vậy, tổ chức cơ động lực lượng tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, phát hiện sớm và nhạy bén nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời; sử dụng nghệ thuật mưu kế trên nền tảng chiến tranh nhân dân, phát triển tiến công táo bạo và thần tốc, đánh địch bất ngờ và liên tục, nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn trong thời gian ngắn bằng ba đòn tiến công chiến lược: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Sài Gòn.
Đó là nghệ thuật sử dụng lực lượng khôn khéo để luôn đánh địch trên thế mạnh, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch trong chiến đấu, thực hiện những chiến dịch đánh tiêu diệt lớn bằng các đòn chiến lược, buộc địch từ chỗ bị đánh bất ngờ đến bị động, lúng túng, phải co cụm chiến lược, rồi rút lui chiến lược mà dẫn đến sự tan rã và bị thất bại hoàn toàn.
Ba là, để sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành linh hoạt và điều chỉnh cách đánh kịp thời, chính xác, phải nắm chắc tình hình theo sự phát triển của tình huống chiến dịch. Khi địch đang ổn định, có chuẩn bị, có tổ chức, thì phải tập trung hơn địch ở trọng điểm; đánh có chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ, chắc thắng.

Khi địch sơ hở, bối rối, như đang rút lui, đang điều chỉnh chiến lược hay đang tan rã, thì vấn đề chính lại là thời cơ - không chờ tập trung đủ mới đánh; thực hiện đánh chia cắt, bao vây, đánh sân bay, hải cảng, đánh viện binh, đánh đường rút lui là chính.
Khi đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch thì tập trung lực lượng đến mức cao nhất và đảm bảo chắc thắng. Cùng với đó, phải phát huy hết thế mạnh của từng binh chủng, trong từng tình huống một cách thích hợp như: dùng xe tăng trong tiến công, thọc sâu; dùng đặc công đánh chiếm và giữ đầu cầu; dùng pháo phòng không phong tỏa sân bay; dùng không quân uy hiếp tinh thần địch...
Bốn là, tổ chức lực lượng chiến dịch hợp lý, khoa học giữa các thành phần binh chủng, giữa lực lượng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu.
Các sư đoàn, quân đoàn bộ binh phải được cơ giới hóa toàn bộ hay từng phần mới nâng cao được tốc độ tiến công, có khả năng hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng kỹ thuật và phát huy được sức mạnh đột kích mạnh.
Phải có hỏa lực tầm xa; cải tiến các phương tiện chỉ huy, thông tin, trinh sát mới bảo đảm tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng tốt. Phải hết sức coi trọng lực lượng công binh cơ giới làm cầu đường, vượt sông trong thành phần các lực lượng công binh.
.jpg)
Ngoài ra, việc lấy trang bị, vũ khí của địch để đánh địch có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tác dụng khôi phục và phát triển sức chiến đấu của binh chủng; giải quyết được những khó khăn về đảm bảo hậu cần, kỹ thuật rất lớn cho các quân chủng, binh chủng, nhất là khi đang cơ động tiến công.
Tóm lại, Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch điển hình về tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh; đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi này là của cả Dân tộc Việt Nam! Đó là thắng lợi từ sức mạnh tổng hợp của “hậu phương” miền Bắc, của đồng bào miền Nam “thành đồng Tổ quốc” và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới!
Ngày nay, đất nước ta đang sống trong hoà bình, cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những bài học về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn, sẽ mãi mãi còn nguyên giá trị.
.jpg)
Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tiếp tục con đường đổi mới, biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực, đưa Đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình phát triển; phấn đấu hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
+ Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi khó lường, đặt ra không ít thách thức mới về an ninh – quốc phòng, Thượng tướng đánh giá như thế nào về định hướng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay? Đồng thời, ông muốn gửi gắm điều gì tới thế hệ trẻ – những người đang gánh vác sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Đất nước trong giai đoạn mới?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trước những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam cần phải giữ vững nguyên tắc chủ động – không chỉ trong việc ứng phó mà còn trong việc nhận diện, dự báo sớm và từ xa những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Việc giữ thế chủ động về chiến lược không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là biểu hiện của tầm nhìn dài hạn trong xây dựng và bảo vệ Đất nước. Đó cũng chính là nét đặc sắc của nghệ thuật quốc phòng toàn dân – trong đó, lòng dân là cốt lõi, là nền móng tạo nên sức mạnh nội sinh vững chắc. Khi chúng ta huy động được trí tuệ tập thể, kết hợp hài hòa giữa tiềm lực quốc gia với tinh thần đoàn kết và truyền thống văn hóa dân tộc, thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn giữ vững thế đứng độc lập, tự chủ.
Với thế hệ trẻ – những người đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng xây Đất nước – tôi cho rằng, việc tiếp nối và phát huy những giá trị lịch sử, tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm thiêng liêng.
Bảo vệ Tổ quốc không chỉ trong chiến tranh, mà ngay từ thời bình, phải chuẩn bị từ xa, làm chủ khoa học, công nghệ và tinh thần chủ động hội nhập.
Hơn ai hết, thế hệ trẻ cần khắc ghi đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, luôn biết trân trọng những hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đã đi trước, để từ đó nuôi dưỡng lý tưởng, nâng cao trách nhiệm, góp phần đưa Đất nước phát triển phồn vinh, sánh vai cùng các cường quốc năm Châu như khát vọng mà Bác Hồ từng gửi gắm!
+ Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Nguyễn Hường (thực hiện)