Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030: Vẫn còn nhiều thách thức
(CLO) Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tỷ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua, tuy nhiên, chưa phải đã hết những khó khăn.
Khởi đầu từ năm 1961, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã vượt qua chặng đường 60 năm đầy cam go, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn.
Khống chế thành công tình trạng “bùng nổ dân số”
Vào những năm cuối thập niên 1950, mức sinh của nước ta rất cao, trung bình mỗi cặp vợ chồng có khoảng 7 con. Tỷ lệ tăng dân số lên tới 3,3%/năm, nghĩa là cứ khoảng 22 năm dân số lại tăng gấp đôi.

Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Thời kỳ này, Việt Nam vừa ra khỏi 9 năm kháng chiến, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Để phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước chủ trương vừa phục hồi kinh tế vừa sớm khởi động cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình. Ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 216/CP về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”, mở đầu cho sự ra đời của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, với mục tiêu là giảm sinh để thực hiện được mô hình “Mỗi cặp vợ chồng có 2 con”.
Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh và những nguyên nhân khác, sau 30 năm, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn khi mức sinh giảm còn chậm.
Năm 1991, trung bình mỗi cặp vợ chồng có gần 4 con, tỷ lệ tăng dân số ở mức hơn 2,3%. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá VII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Chỉ sau 12 năm thực hiện Nghị quyết này, Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt to lớn.
Năm 2006, số con trung bình của một bà mẹ tính đến hết tuổi sinh đẻ, giảm từ 6,4 con giai đoạn (1960-1965) xuống còn 2,09 con, đạt mức sinh thay thế. Sức khỏe bà mẹ trẻ em được cải thiện rõ rệt.
Mục tiêu mà suốt 45 năm Việt Nam kiên trì theo đuổi đã đạt được; đồng thời vượt mức mà mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/HNTW đề ra là năm 2015 mới đạt mục tiêu này.
Thành tựu này cũng mang tính vượt trội, khi tại thời điểm này, các nước đang phát triển mức sinh vẫn còn khá cao: 2,8 con/phụ nữ; đặc biệt, các nước kém phát triển nhất là 4,7 con/phụ nữ, tức là cao hơn Việt Nam rất nhiều. Chính vì điều này, năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng giải thưởng Dân số cho Việt Nam.
Nhờ giảm sinh nhanh, Việt Nam đã khống chế được tình trạng “bùng nổ dân số”, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Mức sinh giảm cũng làm cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta thay đổi mạnh mẽ. Năm 1979, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi rất cao, tới 43%; trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) thấp, chỉ có 52%. Nhưng đến năm 2019, các tỷ lệ nói trên, tương ứng là 24% và 68%, hình thành nên cơ cấu dân số “vàng”. Theo các chuyên gia, cơ cấu dân số “vàng” đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân mỗi năm 1,2% trong giai đoạn 2009-2019.

Cán bộ dân số tuyên truyền tư vấn, cung cấp dịch vụ y tế - kế hoạch hóa gia đình cho người dân khu vực đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng. Các bà mẹ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ có điều kiện tham gia học tập, nghiên cứu khoa học và công tác xã hội… nên tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội ngày càng tăng.
Ngoài những tác động tích cực trên, mức sinh giảm còn tác động tích cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, ngăn chặn đà giảm sâu một số chỉ báo về tài nguyên thiên nhiên bình quân đầu người…
Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - mặc dù công tác dân số đã có những thành tựu to lớn, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng hiện nay, chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.
Đó là, mặc dù đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì đến nay, nhưng Việt Nam đang đối mặt với tình trạng mức sinh chêch lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được khắc phục, luôn ở mức cao và ngày càng lan rộng.
“Tình trạng này kéo dài sẽ xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ và rất nhiều hệ lụy cho xã hội”, ông Nguyễn Doãn Tú khẳng định.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, thời kỳ này chỉ kéo dài 30-40 năm. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ gặp khó khăn, thách thức khi "dân số vàng" trở thành "dân số già", được dự báo sau năm 2035.
Ông Tú nêu ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ để thích ứng với dân số già thì sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đồng thời, việc phân bổ dân cư chưa phù hợp ở mỗi địa phương, vùng miền dẫn đến phân bố nguồn lực không hợp lý cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, chất lượng dân số của nước ta còn thấp và chậm cải thiện, như tỷ lệ phá thai cao; tình trạng vô sinh, vô sinh thứ phát, có chiều hướng tăng; chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) thấp, chậm được cải thiện (1993: 121/174, 2018: 116/189); tỷ lệ tầm soát trước sinh, sơ sinh thấp…
Một vấn đề nữa là, tuy tuổi thọ trung bình ở Việt Nam cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.

Tuyên truyền công tác dân số đến từng hộ gia đình tại xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Doãn Tú cũng nhấn mạnh, trong thời gian gần đây công tác dân số gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tổ chức bộ máy và nguồn lực đầu tư cho công tác dân số.
“Đặc biệt, tổ chức bộ máy làm công tác dân số nước ta có nhiều biến động, nhất là tại tuyến cơ sở. Việc chia tách, sáp nhập hoặc xây dựng đề án sáp nhập đã gây nên những dao động về mặt tâm lý và ảnh hưởng đến tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số trong cả nước”, ông Tú chia sẻ.
Bày tỏ kỳ vọng, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho hay, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp.
“Chúng tôi trông đợi rằng các địa phương sẽ triển khai theo đúng Quyết định 496, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giữ ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số như hiện nay để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn về dân số và phát triển trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra”, ông Nguyễn Doãn Tú nói.
T.Toàn