Chiến thắng Điện Biên Phủ: 56 ngày đêm lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Thứ năm, 07/05/2020 10:50 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nỗ lực tìm một “lối thoát danh dự” của Pháp tại Đông Dương đã không thể mang lại điều chúng muốn mà ngược lại, nó đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng duy trì thuộc địa Đông Dương bởi chính đội quân Việt Nam - đội quân không sở hữu sức mạnh quân sự nhưng có sức mạnh của "Lòng yêu nước".

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bước vào đông-xuân (1953-1954), Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ âm mưu dành một thắng lợi quân sự quyết định nhằm “kết thúc chiến tranh trong danh dự”; quân ta mở cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân (1953-1954) với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân pháp ký hiệp định Giơnevơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

56 ngày đêm lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Trải qua 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ II, thực dân Pháp ngày càng thiệt hại nặng nề. Đến năm 1953, thực dân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tiêu tốn hơn 2000 tỉ phrăng. Vùng chiếm đóng của Pháp bị thu hẹp. Quân Pháp trên chiến trường ngày càng lâm vào thế phòng ngự bị động.

Trước tình thế bị sa lầy và thất bại của pháp, đế quốc Mỹ đã can thiệp sâu sắc vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh, đồng thời tích cực chuẩn bị để thay chân Pháp tại Đông Dương.

Ngày 7/5/1953 được sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ thực dân Pháp cử tướng Nava làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (thay cho tướng Xa lăng). Nava đã đề ra kế hoạch quân sự với hi vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Để thực hiện kế hoạch Nava, thực dân Pháp tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh được đưa từ Pháp và Bắc Phi sang. Ảnh TL.

Để thực hiện kế hoạch Nava, thực dân Pháp tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh được đưa từ Pháp và Bắc Phi sang. Ảnh TL.

Khi sang Việt Nam, dựa vào kinh nghiệm trận mạc “dạn dày”, Nava vạch ra kế hoạch tác chiến được gọi là “Kế hoạch Nava”. Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ nhằm giành lại sự chủ động chiến lược (lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn) xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện.

Tuy nhiên, ngày 20/11/1953, phát hiện Ðại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, Nava lập tức cho quân mở cuộc hành quân Catsto nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ nhằm mục đích cứu nguy cho Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào.

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu/TTXVN phát.

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu/TTXVN phát.

Và rồi, trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa đông năm 1953, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Ðiện Biên Phủ dần trở thành tâm điểm của Kế hoạch Nava. Bộ chỉ huy quân Pháp đã nhanh chóng biến địa bàn này thành một tập đoàn cứ điểm mạnh giữa vùng rừng núi Tây Bắc.

Việc chiếm Ðiện Biên Phủ và chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược với chủ lực của Việt Minh ở đây, như Nava thừa nhận "là một lối thoát xấu nhưng có thể chấp nhận được. Dẫu sao nó cũng hơn Nà Sản, Lai Châu và Luang Prabang. Chính trị là biết để lựa chọn giữa những điều bất lợi. Trong chiến lược quân sự, thường cũng phải làm thế".

Qua đây có thể thấy rằng Tổng chỉ huy Nava và Bộ chỉ huy quân Pháp không hề chủ quan và cũng đã đoán định trước những bất lợi về mặt quân sự khi đem quân nhảy dù xuống lòng chảo Ðiện Biên. Tuy nhiên, cái mà Nava và Bộ chỉ huy quân Pháp tin tưởng đặt cược vào "canh bạc Ðiện Biên Phủ" chính là so với tập đoàn cứ điểm Nà Sản mà đối phương tiến công không thành công trước đó thì tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ mạnh hơn gấp nhiều lần cả về binh, hỏa lực lẫn hệ thống công sự.

Tướng Pháp Nava từng tự tin Ðiện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá. Ảnh.TTXVN phát.

Tướng Pháp Nava từng tự tin Ðiện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá. Ảnh.TTXVN phát.

Theo chúng, Việt Minh đã không thành công khi đánh Hòa Bình và Nà Sản thì không thể nào đánh được tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ðiện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá được. Nava tự tin tiếp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với chủ lực của Việt Minh tại đây và tin rằng Quân đội Việt Nam sẽ phải hứng chịu những tổn thất nặng nề nếu mạo hiểm tiến công tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục cho quân và dân ta nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp; tiến hành tổng động viên mọi lực lượng để phá tan Kế hoạch Nava của chúng.

Với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã giao cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Tổng Chỉ huy Chiến dịch.

Phương châm tác chiến ban đầu của Chiến dịch là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Sau hơn một tháng làm công tác chuẩn bị, các đơn vị đã triển khai xong đội hình chiến đấu, sẵn sàng nổ súng theo phương án này.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình, thấy còn nhiều bất lợi, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”; hoãn thời điểm tiến công để tiếp tục làm công tác chuẩn bị, chuyển đổi đội hình, bố trí lại lực lượng theo phương châm tác chiến mới.

Quân đội ta tiến quân lên Tây Bắc giải phóng Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN phát.

Quân đội ta tiến quân lên Tây Bắc giải phóng Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN phát.

Sự thay đổi này là kết quả của quá trình tư duy độc lập, sáng tạo, quyết đoán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, dựa trên bản lĩnh chính trị vững vàng, cùng sự thận trọng, biện chứng trong đánh giá tình hình trên chiến trường, với mục tiêu chắc chắn giành thắng lợi và hạn chế tổn thất, hy sinh cho ta.

Đầu tháng 3/1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở 3 đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.

Đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, viết nên trang sử chói lọi. Ảnh TTXVN phát.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, viết nên trang sử chói lọi. Ảnh TTXVN phát.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, viết nên trang sử chói lọi, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh của ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân và dân ta.

Với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho chiến trường.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của quân dân Việt Nam đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 8 năm (1945 - 1954). Đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn".

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố: Đó là đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng; từ tinh thần yêu nước nồng nàn và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam được kế thừa và phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh; bắt nguồn từ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.

Nhưng nguồn gốc sâu xa nhất chính là từ tình yêu quê hương đất nước, là khát vọng độc lập, tự do đến cháy bỏng của mỗi con dân đất Việt.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học - kinh nghiệm rất quý báu. Những bài học - kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hà Long

Tin khác

Còn nhiều bất đồng trước thềm cuộc đàm phán hiệp ước nhựa toàn cầu

Còn nhiều bất đồng trước thềm cuộc đàm phán hiệp ước nhựa toàn cầu

(CLO) Các quốc gia đang nỗ lực tiến tới hiệp ước nhựa toàn cầu mang tính lịch sử trong hội nghị thượng đỉnh tại Ottawa (Canada) vào tuần này, nhưng cũng chia rẽ sâu sắc trong các cuộc đàm phán về những gì nên đặt ra trong hiệp ước.

Thế giới 24h
Tổng thống Iran đưa ra 'cảnh báo đỏ' cho Israel, hứa tiếp tục hỗ trợ Palestine

Tổng thống Iran đưa ra 'cảnh báo đỏ' cho Israel, hứa tiếp tục hỗ trợ Palestine

(CLO) Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, trong một tuyên bố được hãng tin IRNA trích dẫn vào thứ Ba (23/4) cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào của Israel vào lãnh thổ Iran sẽ dẫn đến hậu quả "thảm khốc".

Thế giới 24h
Ukraine muốn nam giới trong tuổi nhập ngũ ở hải ngoại trở về chiến đấu

Ukraine muốn nam giới trong tuổi nhập ngũ ở hải ngoại trở về chiến đấu

(CLO) Ukraine hôm thứ Ba (23/4) đã đình chỉ các dịch vụ lãnh sự đối với các công dân nam ở hải ngoại trong độ tuổi nhập ngũ cho đến ngày 18/5, mong muốn những thanh niên trong diện này trở về quê nhà chiến đấu.

Thế giới 24h
Bốn phụ nữ thiệt mạng ở Zaporizhzhia trong cuộc tấn công UAV của Ukraine

Bốn phụ nữ thiệt mạng ở Zaporizhzhia trong cuộc tấn công UAV của Ukraine

(CLO) Cơ quan dịch vụ khẩn cấp tại các khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Zaporizhzhia, Ukraine cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine hôm thứ Ba đã giết chết 4 phụ nữ trong một chiếc ô tô ở phía bắc thị trấn Melitopol.

Thế giới 24h
Liên hợp quốc kêu gọi điều tra về ngôi mộ tập thể tại các bệnh viện ở Gaza

Liên hợp quốc kêu gọi điều tra về ngôi mộ tập thể tại các bệnh viện ở Gaza

(CLO) Liên hợp quốc hôm thứ Ba (23/4) kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về các ngôi mộ tập thể tại hai bệnh viện ở Gaza bị phá hủy trong các cuộc bao vây của Israel, và nói rằng có thể đã xảy ra tội ác chiến tranh.

Thế giới 24h