'Chiến tranh thuế quan' đang tác động đáng kể đến tình trạng lạm phát ở Nga
(CLO) Nga lo lạm phát vượt mục tiêu 4 năm, lãi suất 21% ngăn “cơn bão” kinh tế từ thuế quan toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương Nga đang bày tỏ sự lo ngại sâu sắc khi lạm phát trong nước liên tục vượt mức mục tiêu suốt bốn năm qua, dù đây là giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều biến động lớn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Ảnh: Sofya Sandurskaya
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã chia sẻ điều này trong một cuộc họp với phái đoàn Đảng Cộng sản Liên bang Nga tại Duma Quốc gia, tức hạ viện của quốc hội nước này.
Bà Nabiullina cho biết thêm, Ngân hàng Trung ương nhận thấy các cuộc chiến thuế quan trên toàn cầu đang ngày càng leo thang và hiện cơ quan này đang nỗ lực đánh giá những tác động mà chúng gây ra đối với nền kinh tế Nga.
Hãng thông tấn TASS đã tổng hợp những phát biểu quan trọng từ người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ hàng đầu của Nga.
Về lạm phát và lãi suất chủ chốt
Theo bà Nabiullina, dữ liệu hàng tuần cho thấy xu hướng giảm tốc của lạm phát tại Nga vẫn đang được duy trì, ít nhất là chưa có dấu hiệu chững lại. Bà nhấn mạnh rằng nếu Ngân hàng Trung ương không quyết định nâng lãi suất chủ chốt lên mức 21%, doanh nghiệp và người dân Nga sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều từ lạm phát.
“Chính lạm phát, chứ không phải việc tăng lãi suất, mới là yếu tố làm xói mòn tiền lương và lương hưu của người dân”, bà Nabiullina giải thích.
Thống đốc Nabiullina cũng bày tỏ lo ngại rằng lạm phát đã vượt mục tiêu trong suốt bốn năm qua, dù đây là khoảng thời gian kinh tế Nga đối mặt với nhiều cú sốc lớn.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo lạm phát không vượt ngoài tầm kiểm soát và không chạm đến mức hai con số”, bà khẳng định. Tuy nhiên, bà cũng trấn an rằng Ngân hàng Trung ương không dự đoán giai đoạn lãi suất cao sẽ kéo dài vô thời hạn.
Về tình hình kinh tế
Ngân hàng Trung ương Nga nhận định rằng các cuộc chiến thuế quan toàn cầu đang gia tăng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, đặc biệt qua sự biến động của giá dầu.
“Kênh tác động chính có thể đến từ sự sụt giảm giá dầu”, bà Nabiullina cho biết. Dù vậy, bà cũng bày tỏ lạc quan khi tin rằng trong năm 2025, mức đầu tư vào nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, gần tương đương với năm trước.
Về tài sản
Liên quan đến các tài sản của phương Tây bị phong tỏa tại Nga như một biện pháp đáp trả, bà Nabiullina khẳng định hiện không có cách nào để gỡ bỏ lệnh phong tỏa này nếu không có lý do chính đáng.
“Chúng ta cần đảm bảo rằng các biện pháp này mang tính chất đáp trả, được thực hiện một cách có cân nhắc và tuyệt đối không mở khóa các tài sản đó trước khi có cơ sở rõ ràng”, bà nhấn mạnh.
Về khả năng các công ty phương Tây quay trở lại Nga
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào từ các công ty tài chính nước ngoài về việc quay trở lại hoạt động tại Nga. “Mọi thứ vẫn chưa rõ ràng với chúng tôi. Tuy nhiên, như chính phủ đã khẳng định, mọi quyết định sẽ được cân nhắc dựa trên lợi ích quốc gia,” bà nói.
Dũng Phan (Theo TASS)