Chiến trường Ukraine, nơi thử nghiệm vũ khí của phương Tây
(CLO) Mùa thu năm ngoái, khi Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong một loạt các cuộc phản công, họ đã tấn công lực lượng Nga bằng pháo và tên lửa do Mỹ sản xuất. Điều đặc biệt là Ukraine đã phát triển trên chiến trường một hệ thống nhắm mục tiêu tự chế cho những loại pháo đó.
Một phần mềm do Ukraine sản xuất đã biến máy tính bảng và điện thoại thông minh sẵn có thành công cụ nhắm mục tiêu tinh vi hiện được sử dụng rộng rãi trong quân đội Ukraine.

Một khẩu súng chống drone tự chế của Ukraine. Ảnh: CNN
Bài liên quan
Người tị nạn Ukraine hồi hương & Giấc mơ hòa bình
Vương quốc Anh sắp viện trợ xe tăng hạng nặng cho Ukraine
Nga không kích các thành phố Ukraine, ít nhất 12 người thiệt mạng ở Dnipro
Uy lực những cỗ xe tăng Leopard 2 sắp chuyển cho Ukraine
Ứng dụng di động này cung cấp hình ảnh vệ tinh và hình ảnh tình báo khác và sử dụng thuật toán để nhắm mục tiêu theo thời gian thực, giúp các đơn vị ở gần tiền tuyến bắn trực tiếp vào các mục tiêu cụ thể. Và bởi vì nó là một ứng dụng, không phải là một phần cứng, chúng rất dễ để cập nhật và nâng cấp, đồng thời có sẵn cho nhiều nhóm nhân viên.
Các quan chức Mỹ quen thuộc với công cụ này nói rằng nó có hiệu quả cao trong việc hướng hỏa lực của pháo binh Ukraine vào các mục tiêu của Nga. Song, ứng dụng nhắm mục tiêu chỉ là một trong số hàng tá ví dụ về những đổi mới trên chiến trường mà Ukraine đã đưa ra trong thời gian qua.
Máy in 3D hiện tạo ra các phụ tùng thay thế để binh lính có thể sửa chữa các thiết bị hạng nặng tại hiện trường. Các kỹ thuật viên đã biến những chiếc xe bán tải thông thường thành bệ phóng tên lửa di động.
Các kỹ sư đã tìm ra cách gắn các tên lửa tinh vi của Mỹ lên các máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô như MiG-29, giúp duy trì hoạt động của lực lượng không quân Ukraine sau 9 tháng xung đột.
Ukraine thậm chí đã phát triển vũ khí chống hạm của riêng mình, Neptune, dựa trên các thiết kế tên lửa của Liên Xô có thể nhắm mục tiêu vào hạm đội Nga từ khoảng cách gần 200 dặm.
Các quan chức và nhà phân tích nguồn mở đều nói rằng Ukraine đã trở thành một phòng thí nghiệm chiến đấu thực sự cho những giải pháp rẻ mà hiệu quả.
Ông Seth Jones, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết sự sáng tạo của Ukraine là cực kỳ ấn tượng.
Thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực
Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine cũng mang đến cho Mỹ và các đồng minh một cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí của mình hoạt động như thế nào khi được sử dụng với cường độ cao. Các quan chức quân sự Mỹ cũng đã theo dõi mức độ thành công của Nga trong việc sử dụng máy bay không người lái giá rẻ, phát nổ khi va chạm do Iran cung cấp để phá hủy lưới điện Ukraine.

Lựu pháo M777. Ảnh: CNN
"Ukraine hoàn toàn là một phòng thí nghiệm vũ khí theo mọi nghĩa vì không có thiết bị nào trong số này từng được sử dụng trong một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Đây là thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực”, một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây cho biết.
Đối với quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine cung cấp một nguồn dữ liệu đáng kinh ngạc về các hệ thống của chính họ.
Một số hệ thống cao cấp được cung cấp cho người Ukraine, chẳng hạn như máy bay không người lái Switchblade 300 và tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của kẻ thù, hóa ra lại kém hiệu quả trên chiến trường hơn dự kiến, theo một sĩ quan của quân đội Mỹ cho biết.
Nhưng bệ phóng tên lửa đa nòng M142 hạng nhẹ do Mỹ sản xuất, hay còn gọi là HIMARS, đã đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine. Mỹ cũng đã biết được tốc độ sửa chữa bảo trì mà những hệ thống này yêu cầu trong điều kiện sử dụng liên tục.
Một quan chức quốc phòng cho biết Ukraine đã sử dụng nguồn cung hạn chế của tên lửa cho HIMARS của mình để tàn phá cơ quan chỉ huy và kiểm soát của Nga, tấn công các sở chỉ huy, trụ sở và kho tiếp liệu, điều đã khiến cho Mỹ được mở mang tầm mắt.
Một thông tin chi tiết quan trọng khác là về lựu pháo M777, loại pháo mạnh mẽ từng là một phần quan trọng trong sức mạnh chiến trường của Ukraine. Một quan chức quốc phòng khác cho biết, các nòng pháo sẽ chệch thước ngắm nếu bắn quá nhiều đạn trong một khoảng thời gian ngắn, khiến pháo kém chính xác và kém hiệu quả hơn.

Nhưng bệ phóng tên lửa đa nòng M142 hạng nhẹ, còn gọi là HIMARS. Ảnh: CNN
Người Ukraine cũng đã có những đổi mới chiến thuật gây ấn tượng với các quan chức phương Tây. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, các chỉ huy Ukraine đã điều chỉnh các hoạt động của họ để sử dụng các đội nhỏ bộ binh để chống lại cuộc tiến công của Nga vào Kiev. Được trang bị tên lửa vác vai Stinger và Javelin, quân đội Ukraine đã có thể đánh lén xe tăng Nga.
Mỹ cũng có cơ hội nghiên cứu cách 2 đất nước phát triển sẽ thực hiện chiến tranh trong thế kỷ 21. Một sĩ quan tác chiến nói rằng bài học mà Mỹ có thể rút ra từ cuộc xung đột này là pháo kéo, như hệ thống lựu pháo M777 sẽ có thể bị loại bỏ. Những hệ thống đó khó di chuyển nhanh để tránh bị bắn trả, và với sự phổ biến của máy bay không người lái và tầm nhìn trên cao, điều này sẽ là trí mạng.

Tên lửa vác vai Stinger. Ảnh: CNN
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng đã lưu ý đến cơ hội mới để nghiên cứu và tiếp thị các hệ thống của họ.
BAE Systems đã thông báo rằng thành công của Nga với máy bay không người lái kamikaze đã ảnh hưởng đến cách họ thiết kế một phương tiện chiến đấu bọc thép mới cho Quân đội Mỹ, bổ sung thêm lớp giáp để bảo vệ binh lính khỏi các cuộc tấn công từ trên cao.
Bởi vậy, có thể nói rằng các cơ quan khác nhau của Chính phủ Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng nước này, cũng như của phương Tây nói chung, sẽ tận dụng triệt để cơ hội thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới và giải pháp mới thông qua cuộc chiến ở Ukraine.
Quốc Thiên (theo CNN)