Chính phủ Anh bị cáo buộc 'đe doạ' những người phản đối Thủ tướng Boris Johnson
(CLO) Hôm thứ Năm (20/1), một nhân vật cấp cao trong Đảng Bảo thủ đã cáo buộc chính phủ Anh đang "đe dọa" hoặc "mua chuộc" những nhà lập pháp muốn buộc Thủ tướng Boris Johnson phải từ chức.
Johnson đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức ngày càng gia tăng vì một loạt vụ bê bối, bao gồm việc thừa nhận rằng ông đã tham dự một bữa tiệc tại văn phòng ở Phố Downing vào thời điểm nước Anh đang phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19.
Một số nhà lập pháp thuộc Đảng Bảo thủ đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm lật tẩy nhà lãnh đạo của họ và các nhà lãnh đạo đối lập đã yêu cầu ông từ chức. Sức nóng đã tăng lên trong quốc hội vào thứ Tư (19/1) khi một trong những đại diện tại nhiệm lâu nhất của đảng nói với thủ tướng tại quốc hội rằng “Nhân danh Chúa, hãy đi”.
Johnson, người đã giành được đa số phiếu trong năm 2019, đã thề sẽ chiến đấu, nói rằng ông sẽ lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc tranh luận tại Quốc hội ở London hôm thứ Tư. Ảnh: Reuters
William Wragg, chủ tịch Ủy ban Hành chính công và các vấn đề hiến pháp, đã cáo buộc chính phủ "đe dọa" hoặc "mua chuộc" những người phản đối.
“Trong những ngày gần đây, một số thành viên của quốc hội đã phải đối mặt với áp lực và đe dọa từ các thành viên chính phủ vì họ đã tuyên bố hoặc mong muốn về một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối vai trò lãnh đạo của thủ tướng”, Wragg nói trong một tuyên bố trước một cuộc họp của ủy ban.
Bộ trưởng thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon cũng cho biết: “Sự suy đồi trong chính phủ của Johnson có thể còn tồi tệ hơn chúng ta tưởng”, trong khi phó lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Angela Rayner mô tả những lời buộc tội là “kinh tởm”.
Sự tức giận đang dâng cao, nhưng cho đến nay vẫn chưa đến ngưỡng của một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Johnson, với một số nhà lập pháp Đảng Bảo thủ cho biết họ sẽ đợi cho đến khi cuộc điều tra về các bên được hoàn tất.
Mai Vân (theo SCMP)