Tin tức

Chính phủ quy định trách nhiệm và quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật

Quốc Trần 10/04/2025 08:15

(CLO) Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2025/NĐ-CP, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật.

Trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật

Cụ thể, theo Nghị định Nghị định số 80/2025/NĐ-CP về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật: Chính phủ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

thi hành pháp luật
Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương. Ảnh minh họa

Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tham mưu về quản lý nhà nước hoặc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực, tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.

Cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

Tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương. Cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân các cấp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật

Nghị định quy định Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật.

Theo đó, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn việc quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo Chính phủ về tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật.

Cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; tổng hợp, báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công.

Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, Ủy ban nhân dân cấp dưới về tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương; phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp, báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương; xây dựng cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức, bố trí nguồn lực để triển khai việc tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính phủ quy định trách nhiệm và quản lý nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO