Tin tức

Chính phủ sửa đổi cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công: Rõ ràng về giá dịch vụ, quyền quyết định giá và quản lý quỹ

Vân Anh 24/05/2025 06:30

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2025/NĐ-CP ngày 22/5/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định mới làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc xác định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời, hoàn thiện các quy định về giá dịch vụ, quyền tự chủ tài chính và cơ chế trích lập các quỹ.

vpcp-1665133617475846705087-0-24-310-520-crop-1665133625692536585236-17480106545651818711944-0-0-562-899-crop-17480106604781367869206.jpg
Chính phủ sửa đổi quy định về tự chủ tài chính: Tăng minh bạch, chuẩn hóa cơ chế giá

Phân định rõ thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công

Theo quy định mới tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được sửa đổi, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được phân cấp rõ ràng cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ theo ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Danh mục chi tiết được sử dụng làm cơ sở để đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ.

Ở cấp địa phương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo, đề xuất danh mục thuộc phạm vi quản lý địa phương, bảo đảm phù hợp với khả năng ngân sách đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Danh mục này cũng phải gửi Bộ Tài chính và bộ quản lý ngành để giám sát thực hiện.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào danh mục chung và danh mục chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để lựa chọn đơn vị sự nghiệp công cung ứng dịch vụ theo hình thức phù hợp: giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Quy định cụ thể về giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Nghị định số 111/2025/NĐ-CP sửa đổi khoản 1 và 2 Điều 5 của Nghị định 60/2021/NĐ-CP nhằm thống nhất nguyên tắc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, giá được xác định theo quy định pháp luật về giá, định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) và lộ trình tính giá.

Chi phí tiền lương được tính theo mức lương cơ sở, hệ số, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định; chi phí khấu hao tài sản cố định được trích lập theo quy định pháp luật về tài sản công. Trường hợp chưa có định mức, giá dịch vụ được xác định theo pháp luật hiện hành về giá.

Tự chủ giá với dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước

Nghị định cũng quy định rõ quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong việc cung ứng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Các đơn vị được phép sử dụng tài sản và nguồn lực để cung cấp dịch vụ theo lĩnh vực chuyên môn được giao, với điều kiện tuân thủ quy định pháp luật và cơ chế thị trường.

Giá dịch vụ do đơn vị quyết định bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Nếu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đơn vị phải tuân thủ giá cụ thể, khung giá hoặc giá tối đa, tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trường hợp phát sinh chi phí chung không thể tách biệt giữa hai loại hình dịch vụ (có và không sử dụng ngân sách nhà nước), đơn vị phải phân bổ chi phí theo tiêu chí phù hợp như doanh thu, số lượng, khối lượng, thời gian hoặc tiêu chí khác theo quy định.

Quy định mới về trích lập quỹ bổ sung thu nhập, khen thưởng và phúc lợi

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3), Nghị định 111/2025/NĐ-CP quy định mức trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, tiền lương theo hợp đồng (nếu có), trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Mức trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi cũng được phân định rõ theo tỷ lệ tự chủ chi thường xuyên của đơn vị:

Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: trích tối đa 2,5 tháng tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm.

Đơn vị tự bảo đảm 30% đến dưới 70%: tối đa 2 tháng.

Đơn vị tự bảo đảm 10% đến dưới 30%: tối đa 1,5 tháng.

Hoàn thiện cơ chế tự chủ toàn diện

Bên cạnh các nội dung trên, Nghị định số 111/2025/NĐ-CP còn sửa đổi quy định về chi thường xuyên giao tự chủ, phân phối kết quả tài chính, huy động và vay vốn tín dụng, liên doanh liên kết, nhằm bảo đảm tính chủ động và hiệu quả trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính phủ sửa đổi cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công: Rõ ràng về giá dịch vụ, quyền quyết định giá và quản lý quỹ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO